Người viết khúc bi tráng Biệt động Sài Gòn

Hương Huyền-Chủ nhật, ngày 28/04/2013 12:00 GMT+7

  Với 10 tập phim Biệt động Sài Gòn đạo diễn Lê Phong Lan vẫn trung thành với phong cách làm phim đậm đặc các chi tiết, lấy nhân chứng làm linh hồn, làm cốt lõi.

Không đợi đến những dịp Lễ, Tết, đạo diễn Lê Phong Lan mới bắt tay vào làm phim tài liệu. Với chị, từ khi bước vào làm phim luôn là những chuyến đi nối tiếp chuyến đi. Cùng với đi là liên tiếp những cuộc phỏng vấn các nhân chứng lịch sử. Như thể trong chị có nỗi sợ hãi rất rõ ràng. Sợ những con người đã làm nên một phần lịch sử ấy, người góp công lớn, người là mảnh nhỏ, vô danh… đến một ngày họ mãi mãi ra đi. Để lại khoảng trống đầy nuối tiếc, không thể lấp đầy.

Vậy nên nơi chị làm việc luôn ngồn ngộn các tư liệu, có khi được lên kịch bản, phân cảnh rất cụ thể với ý đồ sắp xếp thành câu chuyện mạch lạc nhưng phần nhiều hơn là hàng ngàn cuộc phỏng vấn nhân vật, nhân chứng chất đầy trong các ổ cứng máy tính. Bất cứ khi nào có thời gian, chị đều nghe, xem lại, để ngấm, để sáng hơn trong cái nhìn trước những vấn đề lịch sử, để làm những cuộc tìm kiếm đến cùng điểm gặp gỡ giữa các câu chuyện, các mảnh hồi ức.

‘ Đạo diễn Lê Phong Lan xem xét các tư liệu

Với Biệt động Sài Gòn cũng vậy. Đạo diễn Lê Phong Lan cho biết chị đã chuẩn bị sẵn nguồn tư liệu dồi dào bởi các sự kiện lịch sử luôn có sự móc nối, liên quan đến nhau rất mật thiết.

Điều khiến chị bị cuốn theo, cuốn đến mức mê mải, miệt mài, từng khóc rất nhiều đó chính là sự kỳ lạ, có một không hai của đội quân đặc biệt này và sự bi tráng trong từng câu chuyện cụ thể. Sự xuất quỷ nhập thần, những chiến công như thể chỉ có trên phim ảnh của biệt động Sài Gòn đã làm nức lòng các thế hệ qua nhiều phương tiện thông tin, truyền thông. Với đạo diễn Lê Phong Lan – người đã vinh dự được trò chuyện, được gặp gỡ với các nhân vật lịch sử huyền thoại, nổi danh, khi bước vào cuộc chiến, cuộc đời của những con người bình dị, chỉ tồn tại bằng bí danh, bí số nhưng vô cùng quả cảm, anh hùng, chị không giấu nổi sự ngưỡng mộ.

Phủ lên 10 tập phim không khí hào hùng, tuy nhiên, với Biệt động Sài Gòn, “người đàn bà thép” Lê Phong Lan cũng mang đến nhiều trăn trở về nỗi đau hậu chiến với những câu chuyện tràn nước mắt của cả người trong cuộc và những người thực hiện.

‘ Gặp gỡ các nhân chứng

*Khi tự nhận xét về chất phim của mình, Lê Phong Lan bảo rằng, đôi khi cũng thấy mình hơi “cứng”, hơi “đanh”. Chị quan niệm, mỗi bộ phim tài liệu lịch sử cần làm một cách công phu, nghiêm túc và có quan điểm rõ ràng, đặt trên lợi ích chung chứ không thể dễ dàng đặt cái tôi cá nhân hay dùng những ngôn từ, cách thể hiện hoa mỹ để khỏa lấp.

Có tiếp xúc mới thấy nữ đạo diễn có tiếng đanh thép này là một phụ nữ tôn thờ các giá trị gia đình truyền thống và khá mềm yếu khi chạm đến những câu chuyện vừa hùng, vừa bi của nhân vật mà chị gặp gỡ. Thế nên, mỗi chuyến đi là nhiều lần chị khóc sưng mắt, là sẵn sàng bỏ tiền túi để góp phần xác minh, trả lại người con đã hi sinh cho gia đình. Lê Phong Lan bảo, chị tiếp nhận thông tin hào hứng, hồ hởi đến hết mình dù là chính sử hay những tâm sự riêng tư nhưng khi cho ra sản phẩm lại rất cẩn trọng, tỉnh táo như một người đi thăng bằng trên lằn ranh giới mong manh. Vậy mà mỗi bộ phim của chị ra mắt lại như làm ồn ào lên bao nhiêu tranh luận, thậm chí không ít lời nhận xét rất nặng nề. Những câu hỏi về sự trung thực với lịch sử liên tục xoáy vào chị.

‘ Đạo diễn Phong Lan luôn theo sát mỗi cảnh quay, góc máy


Quyết liệt cả khi làm phim lẫn khi đứng trước dư luận, Lê Phong Lan cho biết, chị lắng nghe hết, nghe từ nhiều phía. Nỗi buồn, sự mệt mỏi là có thật khi nhiều năm theo đuổi dòng phim tài liệu lịch sử, lặn lội trên mọi nẻo đường, phỏng vấn đến cả ngàn nhân chứng… đổi lại vẫn là không ít hoài nghi, những lời phủ định sạch trơn. Thời các bạn đồng môn hối hả làm nghề ngay sau khi tốt nghiệp thì Lê Phong Lan lại chọn đi làm kinh tế với suy nghĩ rất rõ ràng, để có tiền sau này làm phim, để không bị cái khó bó cái khôn hay bị lệ thuộc, mua chuộc bằng tiền bạc.

Trong bất cứ cuộc trả lời phỏng vấn nào, Lê Phong Lan cũng khẳng định rằng, chị theo đuổi và lệ thuộc duy nhất vào sự thật lịch sử. Khi sự thật trong phim chị bị đặt câu hỏi, bị nghi ngờ, bị phủ nhận, cái tâm của người làm nghề bị tổn thương nhưng lý trí của một người từng trải, đi nhiều, hiểu nhiều lại nhắc nhở chị: âu đó cũng là điều bình thường. Chị cho rằng, sự đổi mới ào ạt trong xã hội hiện tại dễ khiến con người Việt Nam cảm thấy háo hức hơn với những cái mới, suy nghĩ mới, nhất là những luồng thông tin đến từ những quốc gia giàu mạnh hơn ta rất nhiều. Thế giới ngày càng phẳng, tất cả tri thức đều rộng mở cho nên lịch sử, những gì đã xảy ra là không thể che giấu. Bởi thế mỗi bộ phim tài liệu với đạo diễn Lê Phong Lan không phải là một dấu chấm hết, một cái kết trọn vẹn cho tất cả mọi vấn đề mà để “rộng đường dư luận”, là sự gợi mở để những người quan tâm tìm kiếm và tự có câu trả lời cho chính mình.

Nếu không có sự ủng hộ của gia đình, sự hợp tác của người chồng – một nhà khoa học với cách thẩm định sắc bén, logic, nếu không có cơ duyên được gặp gỡ, được chính những con người của huyền thoại như tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn nhắc nhở, khuyến khích, thậm chí bị thôi thúc bởi những giấc mơ vừa mơ hồ, vừa như định mệnh… có lẽ Lê Phong Lan đã dừng con đường phim tài liệu lịch sử từ khá lâu. Chị không gọi những gì mình làm với các mỹ từ to tát, chỉ đơn giản chia sẻ rằng, cứ đi, cứ gặp gỡ bao con người từng làm nên lịch sử những cuộc chiến hào hùng ấy, sẽ khó có thể dừng lại. Bởi sự hi sinh, mất mát quá lớn là điều dễ thấy nhưng căn nguyên đưa tới thái độ quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, điều gì khiến cha ông dũng cảm đánh đổi đến thế đối với chị vẫn là một câu hỏi mà chị muốn trở đi trở lại trong các tác phẩm của mình. Và nữa “nếu không làm ngay từ bây giờ, nhân chứng họ ra đi thì sao, không lẽ cứ để lại những khoảng trống, những ẩn ức”.

Không phán xét những luận điểm đối nghịch, chỉ thở dài khi tâm lý hoài nghi đang len lỏi vào nhiều người cả lớp trẻ, cả lớp người đã kinh qua chiến tranh, với riêng chị - đạo diễn Lê Phong Lan, càng đi vào những vấn đề gai góc, những quãng thời gian hào hùng đầy máu và nước mắt của dân tộc, chị càng cảm nhận sâu sắc những hi sinh quá lớn của các thế hệ trước, càng ngưỡng mộ những chiến công, đóng góp của họ. “Mình biết, mình đã nghe, đã thấy, không nói, không làm sao được đây?”.

Nhiều trăn trở, ưu tư, nhưng đạo diễn Lê Phong Lan tin rằng, sẽ có rất nhiều người tiếp nối làm về những câu chuyện lịch sử Việt Nam. Trong khi chờ đợi, "người đàn bà thép" vẫn miệt mài con đường của riêng mình với những cuộc gặp gỡ, phỏng vấn nhân chứng không ngừng nghỉ. Chị trân trọng, thiết tha với họ lắm – “những hột gạo sót lại trên sàn”, những con người cũng đang bằng cách của riêng mình, níu giữ lại ký ức trước thời gian, trước những làn sóng mới ào ào, vô tình.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước