Đạo diễn của Biệt động Sài Gòn – Lê Phong Lan đồng thời cũng là người thực hiện bộ phim tài liệu Mậu Thân 1968 gây tiếng vang trên VTV thời gian qua. Theo đuổi các đề tài lịch sử, nữ đạo diễn này được gọi là “người đàn bà thép” vì sự quyết liệt, không ngại khó, ngại khổ. Trong quá trình thực hiện Biệt động Sài Gòn, đạo diễn Lê Phong Lan chia sẻ chị rất ngưỡng mộ, cảm phục khi được nghe những câu chuyện, những chiến công của lực lượng có một không hai này.
Đạo diễn Lê Phong Lan (áo đen)
Làm phim Biệt động Sài Gòn
VTV News xin giới thiệu đôi nét về các tập phim:
Tập 1 – Quyết tử quân là câu chuyện về những đơn vị tiền thân của biệt động Sài Gòn – Gia Định được biết đến với tên gọi “những chiến sĩ quyết tử” và chiến công của họ trong 9 năm chống Pháp.
Tập 2 – Lời thề ngày độc lập. Với tinh thần “chúng ta thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, biệt động Sài Gòn – Gia Định được tái lập và tiếp tục những chiến công vang dội trong kháng chiến chống Mỹ. Khởi đầu cho những trận đánh lớn đầu tiên là chiến công của đội 65 biệt động với hai sự kiện gây chấn động là vụ đánh chìm hàng không mẫu hạm USNS Card của Mỹ trên sông Sài Gòn (1964) và sự kiện cầu Công Lý (1964) ám sát bộ trưởng quốc phòng Mỹ McNamara của anh hùng Nguyễn Văn Trỗi.
Tập 3 – Đại náo Sài Gòn. Câu chuyện về những chiến sĩ trinh sát F21 của ban quân báo quân khu, điển hình là hai huyền thoại Nguyễn Thanh Xuân (Bảy Bê) và Lê Văn Việt (Tư Việt), với những trận đánh táo bạo, gây rúng động dư luận trong và ngoài nước. Điển hình là trận đánh khách sạn Caravelle (1964), cư xá Brink (1964) và trận đánh Đại sứ quán Mỹ lần thứ nhất (3/1965)
Tập 4 – Lực lượng F100 kể về Đoàn biệt động quân khu Sài Gòn – Gia Định phiên hiệu cấp lữ đoàn F100. Đơn vị này được thành lập để chuẩn bị cho ý đồ tập kích chiến lược trong kế hoạch X, sau là Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. F100 tiếp tục những chiến công huyền thoại bằng trận đánhTổng Nha cảnh sát, cư xá Metropole, cư xá Victoria. Đặc biệt là trận pháo kích lễ quốc khánh VNCH, tập kích sân bay Tân Sơn Nhất v.v...
Tập 5 – Đường dây A20-A30 là câu chuyện về hai đơn vị bảo đảm chiến đấu của lực lượng F100. Những người làm nhiệm vụ xây dựng hầm vũ khí, cơ sở ém quân trong nội thành và tổ chức ngụy trang vận chuyển vũ khí vào thành, xây dựng đường dây giao liên liên lạc thông suốt để phục vụ cho những trận đánh lớn của F100, đặc biệt là trong sự kiện Tết Mậu Thân 1968.
Tập 6 – Tập kích chiến lược. Câu chuyện về lực lượng biệt động Sài Gòn – Gia Định và những chiến công vang dội của họ trong Tết Mậu Thân 1968.
Tập 7 – Tiểu đoàn nữ biện động Lê Thị Riêng. Đây là một tiểu đoàn đặc biệt ra đời trong tình hình khẩn trương chuẩn bị cho đợt 2 Mậu Thân 1968 với nhiều uẩn khúc và tâm tư. Là câu chuyện chiến đấu dũng cảm phi thường của người tiểu đoàn trưởng và của em Quang – một chiến sĩ vô danh đặc biệt.
Tập 8 – Đường về chiến thắng. Câu chuyện về lực lượng biệt động Sài Gòn – Gia Định thời kỳ hậu Mậu Thân với những tổn thất không thể bù đắp được và những chiến công được tiếp nối bởi những con người quả cảm, can trường. Là câu chuyện về lữ đoàn đặc công biệt động 316 tham gia vào chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh.
Tập 9 – Thủ lĩnh biệt động là câu chuyện cuộc đời của đại tá Nguyễn Đức Hùng (Tư Chu) nguyên chỉ huy trưởng biệt động Sài Gòn – Gia Định. Ông chính là nhân vật then chốt, người lựa chọn mục tiêu và tổ chức cách đánh của lực lượng biệt động. Trong Mậu Thân, hai người con nhỏ của ông đã bị địch bắt để dụ hàng, nhưng từ đây lại mở ra câu chuyện hội ngộ kỳ lạ giữa gia đình ông và cựu phóng viên tờ Washington Post – Don Luce, người đã giải cứu các con ông khỏi ngục tù của chính quyền Sài Gòn.
Tập 10 – Hòa bình và người ở lại là tâm trạng của những cựu biệt động thành, vinh quang đó nhưng cũng nặng trĩu bao nỗi niềm ray rứt về đồng đội – những con người cho đến nay vẫn còn là những liệt sĩ vô danh, là việc giải tán tổ chức để bây giờ không còn chính danh giải quyết chế độ chính sách cho đồng đội. Là tâm trạng của những gia đình biệt động, với nỗi niềm thương nhớ khôn nguôi...