Niềm hạnh phúc trong đôi mắt của Huỳnh Thanh Thảo.
Đó là câu chuyện về cô gái có cái tên rất đẹp – Huỳnh Thanh Thảo ở xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi, TP.HCM. Sinh năm 1986 nhưng đến nay Thảo vẫn chỉ cao 65cm, cô mắc căn bệnh xương thủy tinh từ khi chào đời nên việc đi lại của Thảo gặp nhiều khó khăn. Hình dáng của Thảo không được như những người bình thường khác. Tuy vậy câu chuyện về nghị lực sống vươn lên của Thảo khiến nhiều người phải nể phục. Nói như cách mà Thảo vẫn hay nói: “Em như loài én nhỏ vươn mình bay lên trong nắng gió của đất trời Phương Nam.
Trở thành cô giáo từ những vòng quay xe lăn
Cũng như bao đứa trẻ khác, khi sinh ra Thảo mong muốn được đến lớp học như các bạn ở trong xóm. Nhưng do mắc phải chứng bệnh xương dễ gãy – căn bệnh xương thủy tinh, dù chỉ một cử động nhẹ nên sau vài lần đưa Thảo đi học, cha mẹ Thảo đành ngậm ngùi để em ở nhà. Nhiều lần, Thảo tấm tức nói với mẹ trong nước mắt: “Tại mẹ sinh con ra như vầy nên con mới không được đến lớp đó”. Mẹ Thảo chỉ biết lặng lẽ khóc trong bóng đêm, ôm con vào lòng và vỗ về với những câu động viên, an ủi cho qua đi những di chứng chiến tranh còn đọng lại trên mình ba Thảo và em.
Đến năm 9 tuổi, biết chắc mình không được đến lớp nên Thảo xin mẹ dạy học cho mình. Vì thương con, mẹ Thảo đã đồng ý dạy Thảo đánh vần và tập viết những nét chữ đầu tiên. Chị gái cũng hỗ trợ đắc lực để Thảo có thể học được những phép tính từ cơ bản đến phức tạp của môn Toán. Do ham học nên Thảo đã tiếp thu những kiến thức rất nhanh chỉ trong thời gian ngắn.
‘ Huỳnh Thanh Thảo mắc căn bệnh xương thủy tinh.
Ngày tháng trôi đi trong niềm vui nhỏ bé của Thảo khi cô trở thành cô giáo dạy những đứa trẻ thạo, lũ trẻ thường gọi cô là “chị bé Ba”. Thảo nhận lời kèm cặp các em học. Tiếng lành được truyền rộng hơn trong xóm, nhiều em đã tìm tới Thảo để được học kèm. Đã có rất nhiều đứa trẻ đến tham gia lớp học của “chị bé Ba”. Lớp học miễn phí tại nhà đã được Thảo mở ra năm 14 tuổi như giúp Thảo tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời mình khi mỗi ngày qua đi.
Những niềm vui đó kéo dài trong suốt 10 năm, Thảo đã gắn bó, góp phần giúp nhiều em học sinh nghèo trong xóm vươn lên thành những học trò có thành tích tốt trong học tập. Các em thay vì gọi Thảo là “chị bé Ba” đã chuyển sang gọi “cô Ba”. Vào những ngày lễ kỉ niệm như 20/11 hay 8/3, những bó hoa các em dành tặng Thảo khiến cô rưng rức xúc động vì không nghĩ bản thân lại có vinh dự được các em coi trọng như một cô giáo thực thụ.
‘ Thảo và lớp học miễn phí tại nhà của cô.
Thời gian sau này, Thảo nhận thấy học sinh ở quê mình còn rất hạn chế trong việc tiếp xúc sách báo, tài liệu nên đã đứng ra mở một thư viện nhỏ ngay tại nhà mình. Lúc đầu, thư viện chỉ lèo tèo vài ba cuốn sách báo cũ do bạn bè từ các diễn đàn mạng gửi tặng. Đến năm 2010, nhân chuyến sang Việt Nam làm phim về nạn nhân của chất độc da cam, một phụ nữ người Mỹ đã giúp Thảo xây dựng lại thư viện thành nơi khang trang hơn.
Bạn bè ở các nơi cũng biết tới Thảo nhiều hơn nên sách vở, tranh ảnh, tài liệu học tập… được tới tấp gửi đến. “Thư viện mini cô Ba” đã hình thành, thu hút không chỉ các em nhỏ tuổi, các bậc phụ huynh lớn tuổi tới đọc mà còn giúp học sinh nơi đây có thêm tài liệu đáp ứng cho nhu cầu học nâng cao của mình.
Không chỉ dừng lại ở đó, Thảo còn nhận kèm các em thiểu năng, chậm phát triển. Bản thân Thảo nhận thấy mình là người khuyết tật, từng khao khát được đến trường, thấu hiểu được mong muốn của các em nên Thảo muốn giúp các em đạt được ước mơ cho dù là nhỏ nhặt nhất. Vì vậy Thảo nỗ lực từng ngày để chỉ cho các em những nét chữ, những con số. Thời gian đầu cũng có những khó khăn, có em học cả mấy tháng mà bảng chữ cái chưa nắm được hết, hoặc cứ hôm nay nhớ nhưng hôm sau đã quên hết… dù vậy Thảo cũng vẫn không nản lòng.
Có lẽ bởi ý chí sắt đá, vững tâm ấy đã giúp Thảo trở thành một cô giáo ngay trên chính những vòng quay xe lăn của mình, cho dù bản thân chưa bao giờ được đào tạo bài bản qua trường lớp.
“Én nhỏ” luôn mang theo về những “mùa xuân lớn”
Năm 2009, từ một chương trình văn nghệ trên Đài tiếng nói Nhân dân TP.HCM, một độc giả biết tới hoàn cảnh của Thảo nên đã gửi tặng một chiếc máy tính để bàn. Được tiếp xúc với công nghệ, Thảo đã rất bối rối. Nhưng với sự háo hức, tò mò cộng với sự hướng dẫn của chị gái và một số bạn bè, Thảo đã làm quen và khám phá được rất nhiều điều từ thế giới mạng. Từ đây, Thảo trở thành thành viên tích cực của các trang mạng chuyên hoạt động vì cộng đồng. Với nick-name “Én nhỏ Phương Nam” hoặc “Thiên thần không đôi chân”, Thảo được nhiều người chú ý tới.
Từ khi tiếp xúc với các hoạt động thiện nguyện của một số nhóm bạn trên internet, Thảo đã nung nấu một suy nghĩ: “Người ta cũng khuyết tật như mình, tại sao họ làm được những chương trình ý nghĩa mà bản thân lại không, trong khi mình cũng nhận được rất nhiều sự yêu thương từ cộng đồng, gia đình, bè bạn?”. Điều này đã thôi thúc Thảo bắt tay lên kế hoạch cho các chương trình cụ thể. Công việc lúc ban đầu không quen khiến Thảo vô cùng bỡ ngỡ. Nhưng sau này có thêm nhiều người giúp đỡ nên Thảo quen dần.
Từ chương trình thiện nguyện đầu tiên mà Thảo thực hiện nhân ngày 1/6 tại mái ấm Thiên Phúc vào năm 2009, đến nay Thảo đã thực hiện được rất nhiều hoạt động. Hàng trăm phần quà và học bổng đã được Thảo trao cho hàng trăm em thiếu nhi cũng như các em học sinh nghèo hiếu học trên địa bàn xã. Tất cả các chương trình như: Vận động quyên góp ủng hộ tiền cho người dân bị sóng thần ở Nhật Bản; Chương trình giao lưu văn nghệ và phát quà cho các em thiếu nhi ở xã nhân ngày 1/6; Thành lập Quỹ học bổng sẻ chia để giúp những em có hoàn cảnh khó khăn nhưng có thành tích tốt trong học tập; Chương trình Tri ân những người đã khuất tổ chức thường niên vào các năm nhân ngày 27/7;… đều nhận được sự cổ vũ tinh thần cũng như đóng góp vật chất từ các mạnh thường quân.
Thậm chí Thảo còn trực tiếp kêu gọi mọi người tham gia vào dự án “Nâng cao kiến thức cho người khuyết tật” do mình thực hiện. Khi được hỏi về động lực đã giúp một người như Thảo làm tốt được những chương trình ấy, Thảo cười và bảo rằng: “Nghĩ tới niềm hạnh phúc và nhìn thấy nụ cười của tụi nhỏ khi được nhận được những phần quà nho nhỏ là mỏi mệt trong em như tan biến”.
‘ Thảo tổ chức những chương trình ý nghĩa thiết thực dành cho các em nhỏ trong xóm.
Và trong trong tất cả những chương trình mà mình đã thực hiện, Thảo cảm thấy có nhiều kỉ niệm nhất đó là chương trình: “Mùa hè yêu thương - Góp tấm lòng tới miền Hải đảo” trong năm 2011. Do gia đình các em học trò cũng khó khăn nên Thảo chỉ nhận của mỗi em 500 đồng để góp vào chương trình. Nhiều em có ý định nhịn ăn sáng hoặc về vòi vĩnh xin thêm tiền cha mẹ, Thảo đã không đồng ý.
Thảo nói: “Em không muốn các em làm vì phong trào, mà cái em muốn là việc làm của em phải thực sự tỏa sáng từ tâm hồn để cảm nhận được chương trình là một sự thiêng liêng và ý nghĩa với Tổ quốc”. Vì vậy mà sau một tháng phát động, số tiền mà Thảo thu được là 191.000 đồng. Số tiền không nhiều nhưng với Thảo thì: “Đây là tấm lòng chân thành mà bản thân em em và những bạn học sinh nơi quê nghèo muốn gửi tới các anh lính nơi đảo xa”.
‘ Thảo trở thành 1 trong những tấm gương tiêu biểu về tấm gương sốn, nghị lực sống.
Từ việc làm vô cùng ý nghĩa và thiết thực này, đầu tháng 9/2011, Thảo đã nhận được thư mời ra Cam Ranh - Khánh Hòa dự Lễ công bố các công trình “Góp đá xây Trường Sa” (giai đoạn I). Lúc nhận được thư, Thảo rất vui sướng, hạnh phúc vì ao ước bấy lâu được gặp các anh lính biển đã thành hiện thực. Nhưng bản thân cũng không khỏi lo lắng và do dự vì thời gian đi lại trùng đúng vào thời điểm Thảo làm chương trình “Trung thu yêu thương 2011” cho gần 200 em thiếu nhi ở xã. Thảo đã phải đấu tranh tư tưởng suốt một tuần, cuối cùng Thảo quyết định bàn giao công việc lại cho anh chị em trong nhóm tình nguyện ở nhà. Trước hôm khởi hành một ngày, Thảo đã họp mọi người lại và giao công việc cụ thể cho từng người và cố gắng tự tay làm nốt những phần việc còn dang dở rồi mới yên tâm cùng bố lên đường.
‘ Thanh Thảo tại Cam Ranh.
Và sau 8 tiếng di chuyển bằng ô tô, vượt qua sự đau đớn về thể xác khi xe lắc lư, Thảo cùng bố đã đặt chân tới mảnh đất Cam Ranh. Gặp được các anh lính Hải quân và trao trực tiếp những lá thư viết tay của các em học trò cho các anh, Thảo đã rất xúc động. Bằng khả năng văn chương tự trau dồi, trong buổi giao lưu hôm đó, Thảo đã đọc một bài thơ do chính mình sáng tác để gửi tặng tất cả những người lính Trường Sa. Bài thơ chỉ có bốn câu, điều đặc biệt là các từ đầu tiên của mỗi câu khi ghép lại thành cụm từ: “Góp đá xây Trường Sa”, nội dung như sau:
Góp tấm lòng tới miền Hải Đảo
Đá vững vàng trên những bước chân anh.
Xây lên nào những thương yêu không vụn vỡ,
Trường Sa ơi! Thắm mãi môt tình yêu…!
Với những nỗ lực của bản thân và nhờ những hoạt động thiện nguyện ý nghĩa, năm 2010, Thảo đã được bình chọn là một trong những đại diện tiêu biểu trong phong trào Thi đua yêu nước. Hy vọng rằng, “cánh én nhỏ” Thanh Thảo sẽ tiếp tục vươn mình bay cao để mang thêm thật nhiều “những mùa xuân lớn” cho trẻ em ở khắp muôn nơi.