Hiện nay, khu vực ĐBSCL và miền Trung, trong đó có nhiều đô thị lớn đang chịu ảnh hưởng của khô hạn, xâm nhập mặn. Riêng tại ĐBSCL, tình trạng khô hạn được dự báo sẽ nghiêm trọng hơn đợt hạn mặn lịch sử năm 2015 - 2016. Dự báo, nhiều địa phương rơi vào tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.
Theo Viện Tài nguyên thế giới, trong 50 năm qua, dân số toàn cầu tăng hơn 4 tỷ người khiến nhu cầu sử dụng nước ngọt tăng cao, đặc biệt là nước sinh hoạt tăng gấp 6 lần. Đến nay, 1/4 thế giới đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu nước. Nguyên nhân được xác định là do ô nhiễm, biến đổi khí hậu đã, đang và sẽ làm thay đổi lượng mưa, tốc độ băng tan, lũ lụt, hạn hán.
Ngay tại Việt Nam, hạn mặn gay gắt đang gây ra tình trạng thiếu nước nghiêm trọng ở ĐBSCL. Hiện có tới 96.000 hộ dân không đủ nước sinh hoạt và hàng chục nghìn ha lúa không có nước tưới.
Cảnh báo trong 5 năm tới, nhu cầu sử dụng nước sẽ tăng ngày càng cao, thế giới có khoảng 3,5 tỷ người khan hiếm nước ngọt.
Đây không phải là lần đầu tiên người dân đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt do biến đổi khí hậu. Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm nay và lần sau càng khốc liệt hơn lần trước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân.
Tại Bến Tre, người dân đã phải mua nước từ nơi khác đến để phục vụ nhu cầu sinh hoạt với giá lên tới hàng trăm nghìn đồng một mét khối, cao hơn hàng chục lần so với giá nước sinh hoạt tại các đô thị.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!