4 đối tượng bị bắt gồm Nguyễn Tân Định (SN 1982) trú tại xã Quới An, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long; Trần Vạn Lợi (SN 1989) trú tại xã Thạnh Đông, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang; Trần Tấn Phát (SN 1992), trú tại phường Hưng Phú, Q. Cái Răng, TP. Cần Thơ; Lữ Nhựt Trường (SN 1987), trú tại xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long.
Trước đó, đầu tháng 12/2019, đối tượng Võ Thanh Long (sinh năm 1983) - Tổng Giám đốc của 2 công ty trên - cũng đã bị bắt về tội danh này.
Huy động vốn trái phép theo mô hình đa cấp lừa đảo
Với chiêu bài bán "Gói Bảo trì tài sản dân dụng" của Công ty cổ phần quốc tế Ước Mơ Việt, các đối tượng này đã chủ mưu kêu gọi hàng nghìn người tham gia. Trong những người tham gia có bà Nguyễn Thị Chắt, trú tại huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội đã bỏ ra hơn 100 triệu đồng để mua với lời hứa được hưởng 4 triệu đồng mỗi tháng do công ty chi trả liền trong vòng 60 tháng.
"Tôi nộp vào công ty này 110 triệu, nhưng sau 3 tháng anh ấy trả cho tôi được 6,5 triệu tiền lãi còn từ năm 2017 đến giờ, anh không trả cho tôi", bà Chắt cho hay.
Nếu người dân bỏ ra 300.000 đồng sẽ được bảo trì 8 loại tài sản như: ti vi, máy giặt, tủ lạnh...
Những lời hứa bỏ hơn 100 triệu đồng, thu về 4 triệu đồng/tháng cùng lãi suất lên tới gần 50%/năm, cao gấp 7 lần gửi tiết kiệm ngân hàng đã hấp dẫn nhiều người nhẹ dạ cả tin đầu tư. Ngoài ra, để mở rộng hệ thống, Công ty đã đưa ra mức chi trả hoa hồng trực tiếp lên đến 20% giá trị gói đầu tư nên ngoài bà Chắt, nhiều người thấy lợi đã bỏ tiền tham gia mua các gói đầu tư.
Trong các "phiếu bảo trì các tài sản dân dụng" được công ty bán ghi rõ: Nếu người dân bỏ ra 300.000 đồng sẽ được bảo trì 8 loại tài sản như: ti vi, máy giặt, tủ lạnh... Tuy nhiên trên thực tế, không có dịch vụ bảo trì.
Theo các luật sư, bản chất những phiếu bảo trì này chỉ là công cụ để công ty huy động vốn của người dân theo mô hình đa cấp biến tướng.
"Bản chất đây là hoạt động đa cấp trái phép và hoạt động huy động vốn trái phép. Công ty Ước mơ Việt không tập trung vào việc cung cấp dịch vụ hoặc bán các hàng hóa của mình mà chủ yếu tập trung tuyển dụng các đại lý. Đây là biểu hiện bán hàng đa cấp trá hình" - luật sư Nguyễn Thị Hồng Linh, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, cho hay.
"Ve sầu thoát xác" sau khi lừa đảo số tiền khủng…
Sau khi thu hút hàng trăm tỷ đồng từ hơn 3.000 người tham gia, Công ty cổ phần quốc tế Ước mơ Việt tuyên bố dừng hoạt động. Người đứng đầu công ty đã thành lập mới một công ty khác với cái tên Công ty Bất động sản Cao Thắng và tiến hành mua lại dự án Khu nghỉ dưỡng Phú Hữu (Hậu Giang) và kêu gọi người dân đầu tư mua bán cổ phẩn, hợp tác đầu tư vào dự án với lãi suất cũng gấp 7 lần ngân hàng. Đồng thời, kêu gọi các nhà đầu tư chuyển đổi hợp đồng từ công ty Ước mơ Việt Sang dự án bất động sản Cao Thắng.
Sau khi đóng cửa công ty CP CP Quốc tế Ước mơ Việt, các đối tượng trên thành lập công ty CP Bất động sản Cao Thắng để tiếp tục hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Dự án Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Phú Hữu (Hậu Giang) có diện tích khoảng 10ha được được chuyển nhượng lại từ công ty cũ với số tiền 26 tỷ đồng, nhưng đã được Võ Thanh Long thổi phồng lên 700 tỷ đồng. Theo các Sở, ban, ngành tỉnh Hậu Giang, dự án này chỉ mới chỉ được UBND tỉnh đưa ra chủ trương đầu tư, các thủ tục khác đều chưa đáp ứng.
Ông Nguyễn Công Tâm - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hậu Giang
"Dự án này mới chỉ có chủ trương đầu tư, còn các giấy tờ về giấy phép xây dựng, quy hoạch đều chưa có. Dự án đang xây dựng trái phép" - ông Nguyễn Công Tâm, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hậu Giang, cho hay.
Theo các luật sư, dự án này cũng chỉ là công cụ huy động vốn và là chiêu trò trốn tránh trách nhiệm theo kiểu "ve sầu thoát xác".
Luật sư Nguyễn Thế Truyền - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội.
"Chúng tôi đang thấy có dấu hiệu 've sầu thoát xác'. Họ đang thoát ra khỏi cái vỏ trước đây khi tạm dừng công ty Ước mơ Việt để lẩn tránh những hệ quả pháp lý có thể phải chịu liên quan đến việc huy động vốn khi đã thực hiện bên Ước mơ Việt" - luật sư Nguyễn Thế Truyền, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, nhận định.
Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cũng đã ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận chủ trương đầu tư với dự án Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Phú Hữu (Hậu Giang) vì những sai phạm. Ngoài ra, Bộ Công an và UBND tỉnh Hậu Giang cũng yêu cầu Công an tỉnh Hậu Giang vào cuộc điều tra về vụ việc trên.
Đầu tháng 12/2019, đối tượng Võ Thanh Long (SN 1983) - Tổng Giám đốc của 2 công ty trên - đã bị bắt về tội danh lừa đảo, chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!