Bị cáo Trương Mỹ Lan tham ô hơn 304.000 tỷ đồng nợ gốc và hơn 129.000 tỷ đồng lãi

PV-Thứ ba, ngày 05/03/2024 22:25 GMT+7

Bà Trương Mỹ Lan tại tòa. Ảnh: PLO

VTV.vn - Sau khi trừ giá trị tài sản đảm bảo, cáo trạng xác định bị cáo Trương Mỹ Lan gây thiệt hại cho SCB khoảng 498 nghìn tỷ đồng.

Chiều 5/3, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phiên xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) và các công ty, đơn vị, tổ chức liên quan.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giữ quyền công tố tại phiên tòa đã công bố cáo trạng truy tố bị cáo Trương Mỹ Lan và các bị cáo khác trong vụ án sai phạm xảy ra tại Vạn Thịnh Phát.

Đối với bị cáo Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, đại diện Viện Kiểm sát nêu 3 tội danh: "Tham ô tài sản", "Đưa hối lộ" theo quy định tại khoản 4, Điều 353; khoản 4, Điều 364 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 và "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng", quy định tại khoản 3, Điều 179 Bộ luật Hình sự năm 1999 với khung hình phạt cao nhất là tử hình.

Bị cáo Trương Mỹ Lan bị xét xử về tội "Đưa hối lộ" vì đã có hành vi hối lộ Đoàn thanh tra của Ngân hàng Nhà nước để che giấu, bưng bít các sai phạm của bị cáo và ngân hàng SCB, tạo điều kiện cho SCB được tái cơ cấu. Ngoài tư cách bị cáo, Trương Mỹ Lan còn hầu tòa với tư cách bị hại trong vụ án bị cáo Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần đầu tư và quản lý giáo dục Văn Lang - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Capella bị xét xử về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản vì có hành vi tìm cách chiếm đoạt của bị cáo Trương Mỹ Lan 1 nghìn tỷ đồng.

Theo cáo trạng, Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát có trụ sở tại số 193-203 Trần Hưng Đạo, phường Cô Giang, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Công ty có ngành nghề kinh doanh chính là bất động sản, vốn điều lệ 13 nghìn tỷ đồng, người đại diện theo pháp luật kiêm Tổng Giám đốc là bà Trương Huệ Vân (cháu gái bà Trương Mỹ Lan). Chủ tịch Hội đồng Quản trị là bà Trương Mỹ Lan, sở hữu 60% cổ phần công ty. 

Trong trình hoạt động, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã thành lập, xây dựng hơn 1 nghìn doanh nghiệp gồm các công ty con, công ty thành viên trong và ngoài nước, được chia thành nhiều tầng lớp. Trong đó, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát giữ vai trò trung tâm, nắm giữ cổ phần, kiểm soát toàn bộ hoạt động của các công ty trong hệ sinh thái và thường không tham gia trực tiếp vào hoạt động kinh doanh.

Hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát đã thuê, nhờ hàng trăm cá nhân đứng tên đại diện pháp luật các công ty; được chia làm 4 nhóm chính có quan hệ chặt chẽ với nhau, gồm: Nhóm định chế tài chính tại Việt Nam với Ngân hàng SCB, Công ty chứng khoán Tân Việt, Công ty Cổ phần tài chính Việt Vĩnh Phú; nhóm công ty có hoạt động kinh doanh về khách sạn, nhà hàng, bất động sản, chẳng hạn như Công ty Cổ phần tập đoàn Sài Gòn Peninsula, Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư An Đông…; nhóm công ty "ma" tại Việt Nam; nhóm mạng lưới công ty nước ngoài tại nhiều vùng lãnh thổ, quốc gia "thiên đường thuế".

Mặc dù không giữ chức vụ trong Ngân hàng SCB nhưng do luôn nắm giữ cổ phần chi phối (từ 85% đến 91,5% tổng số cổ phần Ngân hàng SCB) nên Trương Mỹ Lan là người thực tế có "quyền lực" cổ đông chi phối, chỉ đạo, điều hành tuyệt đối mọi hoạt động của Ngân hàng SCB ngay từ khi hợp nhất 3 Ngân hàng tư nhân đến khi khởi tố vụ án; đồng thời Trương Mỹ Lan là chủ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và phần lớn các công ty trong hệ sinh thái. 

Theo Viện Kiểm sát, bằng nhiều phương thức, thủ đoạn, bị cáo Trương Mỹ Lan cùng các đồng phạm thực hiện một chuỗi hành vi gồm: Tuyển chọn, bố trí nhân sự thân tín của mình vào các vị trí chủ chốt tại Ngân hàng SCB; thành lập một số đơn vị thuộc Ngân hàng SCB chuyên trách cho vay, giải ngân theo yêu cầu của Trương Mỹ Lan; câu kết với các cá nhân đứng đầu nhiều doanh nghiệp liên quan để thực hiện tội phạm; thông đồng với nhiều công ty thẩm định giá để nâng khống giá trị tài sản bảo đảm; tạo lập số lượng rất lớn hồ sơ vay vốn khống để rút tiền từ Ngân hàng SCB; lập phương án rút tiền, "cắt đứt" dòng tiền sau giải ngân; bán nợ xấu, bán các khoản cấp tín dụng trả chậm để giảm dư nợ tín dụng, giảm nợ xấu nhằm che giấu sai phạm; mua chuộc, tác động người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan Nhà nước làm trái công vụ.

Bị cáo Trương Mỹ Lan tham ô hơn 304.000 tỷ đồng nợ gốc và hơn 129.000 tỷ đồng lãi - Ảnh 1.

Quang cảnh phiên tòa. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN

Kết quả điều tra xác định, trong giai đoạn từ ngày 1/1/2012 đến ngày 7/10/2022, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập khống hồ sơ, cho vay, giải ngân 2.527 khoản với tổng số tiền 1.066.608 tỷ đồng. Đến ngày 17/10/2022 còn 1.284 khoản vay với dư nợ 677.286 tỷ đồng (gồm 483.971 tỷ đồng nợ gốc và 193.315 tỷ đồng nợ lãi phí). Các khoản vay đều thuộc nợ nhóm 5, không có khả năng thu hồi; dư nợ gốc các khoản vay của Trương Mỹ Lan chiếm 93% tổng dư nợ gốc của 23.042 khoản vay còn dư nợ tại Ngân hàng SCB.

Sau khi trừ giá trị tài sản đảm bảo, cáo trạng xác định bị cáo Trương Mỹ Lan gây thiệt hại cho SCB khoảng 498 nghìn tỷ đồng; trong đó, từ ngày 1/1/2012 - 31/12/2017, bị cáo vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, gây thiệt hại hơn 64 nghìn tỷ đồng, sau khi trừ giá trị tài sản đảm bảo các khoản vay. Từ ngày 1/1/2018 - 7/10/2022, bị cáo Trương Mỹ Lan tham ô tài sản hơn 304 nghìn tỷ đồng nợ gốc và hơn 129 nghìn tỷ đồng lãi phát sinh từ nợ gốc, sau khi trừ giá trị tài sản đảm bảo cho các khoản vay.

"Hành vi phạm tội của bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm là nguyên nhân căn bản, cốt yếu dẫn đến Ngân hàng SCB đã hoàn toàn mất thanh khoản, dư nợ tín dụng rất lớn không có khả năng thu hồi, vốn chủ sở hữu âm 443.769 tỷ đồng", đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh. 

Ngoài ra, 85 bị cáo còn lại, bao gồm 45 cựu lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng SCB; 15 cựu cán bộ Ngân hàng Nhà nước; 3 cựu cán bộ Thanh tra Chính phủ; 1 cựu cán bộ Kiểm toán Nhà nước bị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố về các tội: tham ô tài sản, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng. 

Trong giai đoạn điều tra, cơ quan chức năng thu giữ gần 600 tỷ đồng và gần 15.000 USD. Trong đó thu giữ của bị cáo Trương Mỹ Lan, Trương Huệ Vân hơn 7 tỷ đồng; thu giữ của ông Tạ Hùng Quốc Việt - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Greenhill Village; Trần Văn Hùng, nhân viên tòa nhà Sherwood (Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh) 190.000 USD.

Gia đình các bị cáo Trương Mỹ Lan, Tạ Hùng Quốc Việt, Trần Văn Nghị và Trương Huệ Vân tự nguyện nộp để khắc phục hậu quả vụ án gần 119 tỷ đồng và 306.000 USD. Trong giai đoạn truy tố đã thu giữ của các bị cáo số tiền 55,4 tỷ đồng. Đáng chú ý, trước khi phiên tòa diễn ra, người thân của 10 bị cáo đã nộp thêm gần 6,2 tỷ đồng để khắc phục cho vụ án.

Cụ thể, gia đình bị cáo Bùi Anh Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT SCB) nộp 4,5 tỷ đồng; gia đình bị cáo Phan Tấn Trung (cựu Phó chánh thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh) nộp 546 triệu đồng); Nguyễn Thanh Tùng (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dầu khí Đông Phương) nộp 500 triệu đồng.

Gia đình bị cáo Trần Thị Kim Chi (cựu nhân viên Công ty CP Natural Land), Lưu Chấn Nguyên (cựu Giám đốc Phòng Giao dịch Bảy Hiền SCB) nộp 30 triệu đồng/bị cáo. Phạm Mạnh Cường (cựu Giám đốc Phòng Tái thẩm định SCB) và Cao Việt Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH thương mại và sản xuất Tường Việt) cùng nộp 200 triệu đồng/người; Bùi Nhân (cựu Phó Tổng giám đốc SCB) nộp 70 triệu đồng; Bùi Đức Khoa (cựu Phó Tổng giám đốc Công ty CP Natural Land), và Trần Hoàng Giang (cựu Phó Giám đốc khối phê duyệt tín dụng SCB), mỗi người nộp 50 triệu đồng.

Phiên tòa dự kiến kéo dài gần 2 tháng, kết thúc ngày 29/4/2024.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước