Anh P. trình báo tại cơ quan Công an.
Theo số liệu thống kê từ Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Gia Lai, từ ngày 16/12/2023 đến hết tháng 4/2024, cơ quan chức năng phát hiện 28 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng với tổng thiệt hại hơn 9 tỷ đồng.
Mặc dù cơ quan chức năng liên tục cảnh báo về các thủ đoạn lừa đảo, nhưng vẫn xuất hiện nhiều nạn nhân mới.
Đầu tháng 4/2024, anh P. ở huyện Chư Sê, Gia Lai đến cơ quan Công an trình báo bị mất 678 triệu đồng vì làm theo lời một đối tượng giả danh Công an. Đối tượng này gọi điện, yêu cầu anh P. cập nhật thông tin căn cước công dân bằng cách truy cập vào link dẫn đến một trang web giả mạo dịch vụ công để chiếm quyền sử dụng điện thoại của anh P rồi rút toàn bộ số tiền trong tài khoản của nạn nhân.
Công an Gia Lai đẩy mạnh tuyên truyền, phòng ngừa các biện pháp tránh lừa đảo trực tuyến.
Trình báo tại cơ quan Công an, anh P. chia sẻ: "Do phần mềm có giao diện gần giống với giao diện "Dịch vụ công trực tuyến" thật của Bộ Công an nên tôi hoàn toàn tin tưởng và thực hiện các thao tác theo hướng dẫn. Khi cài đặt, phần mềm yêu cầu toàn quyền truy cập điện thoại của tôi, tôi cũng không nghi ngờ gì. Tiếp đó các đối tượng yêu cầu tôi chuyển khoản 12.000 đồng vào tài khoản có tên là "Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam". Tôi vừa thực hiện xong, ngay lập tức tài khoản ngân hàng của tôi báo toàn bộ số tiền trong tài khoản của tôi đã bị chuyển sang tài khoản khác. Lúc đó tôi mới biết mình bị lừa".
Một số thủ đoạn gần đây của tội phạm lợi dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản là: giả danh (giả danh lãnh đạo, cơ quan pháp luật, nhân viên ngân hàng, cán bộ viễn thông, bảo hiểm xã hội, công ty tài chính…); hack Facebook, Zalo; gọi điện khủng bố; lừa đảo trúng thưởng; bẫy tình trên mạng xã hội; mua bán hàng trực tuyến, làm việc qua ứng dụng lạ...
Các đối tượng triệt để lợi dụng khoa học, công nghệ và những kẽ hở trong công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực internet, viễn thông, tài chính, ngân hàng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Mặt khác, một bộ phận người dân không tìm hiểu, cập nhật các phương thức, thủ đoạn mới của loại tội phạm này nên dễ dàng bị các đối tượng tiếp cận, thao túng tâm lý, lợi dụng lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Một số người chậm trình báo cho cơ quan chức năng, khiến việc xác minh, điều tra, nhất là phối hợp các ngân hàng phong tỏa nguồn tiền, thu hồi tài sản và xác minh, truy vết đối tượng trên không gian mạng gặp nhiều trở ngại.
Một số thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng và cách phòng ngừa.
Tại huyện Kông Chro, lực lượng Công an đã tiếp nhận nhiều lượt tin nhắn nhờ tư vấn hoặc trình báo vụ việc liên quan đến lừa đảo trúng thưởng. Hầu hết nạn nhân đều hoang mang, lo lắng vì đã tin và làm theo hướng dẫn của những đối tượng lạ, khiến họ mất khoản tiền lớn nhưng không hề nhận được bất cứ phần thưởng nào. Thậm chí, một số người còn vay mượn tiền của người thân, bạn bè để chuyển tiền cho đối tượng lạ với mong muốn nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ để nhận thưởng theo hướng dẫn.
Cụ thể, anh T. (trú ở xã Kông Yang, huyện Kông Chro, Gia Lai) đã mất hơn 60 triệu đồng vì bị lừa đảo trúng thưởng. Vào tháng 1/2024, anh T. nhận được 1 cuộc gọi từ số điện thoại lạ thông báo anh T là 1 trong 5 khách hàng may mắn trúng 1 xe máy SH trị giá hơn 100 triệu đồng từ chương trình tri ân khách hàng nhân dịp cuối năm của công ty mua sắm trực tuyến có trụ sở đặt tại TP. Hồ Chí Minh.
Đối tượng này yêu cầu anh T đặt mua 3 sản phẩm theo hướng dẫn của các đối tượng để nhận mã trúng thưởng và làm hồ sơ trúng thưởng (tổng trị giá 10,1 triệu đồng). Sau đó các đối tượng tiếp tục yêu cầu anh T. chuyển tiền để thuê vận chuyển, nộp thuế tổng cộng 54 triệu đồng, cam kết sẽ hoàn lại toàn bộ số tiền này cùng với giải thưởng sau khi anh T. nhận được phần thưởng.
Hình ảnh lừa đảo trúng thưởng mà các nạn nhân tại huyện Kông Chro cung cấp cho lực lượng Công an.
Tương tự anh T., chị M. (trú tại xã Chơ Glong, huyện Kông Chro) cũng là nạn nhân của trò lừa trúng xe SH với tổng số tiền thiệt hại hơn 1 triệu đồng. Rất may, chị M. đã nâng cao cảnh giác, tỉnh táo gọi điện nhờ tư vấn. Chị M. cho biết: "Sau khi liên tục nhận yêu cầu chuyển tiền, tôi sinh nghi nên đã gọi điện hỏi người quen và cơ quan Công an để được hướng dẫn. Sau đó tôi chặn cuộc gọi từ các đối tượng chứ số tiền bị lừa có lẽ không dừng ở đó".
Để tránh rơi vào bẫy lừa cài đặt phần mềm dịch vụ công giả mạo, Công an tỉnh Gia Lai khuyến cáo người dân cần nhận diện đặc điểm chung của các hình thức lừa đảo để nâng cao cảnh giác; không làm việc, cung cấp thông tin cá nhân hoặc làm theo các yêu cầu thông qua điện thoại; tuyệt đối không truy cập các link nhận được qua tin nhắn hoặc cài đặt ứng dụng không rõ nguồn gốc. Không lưu thông tin bảo mật dịch vụ ngân hàng trên điện thoại thông minh.
Công an cũng khuyến cáo người dân tuyệt đối không cấp quyền hỗ trợ (Accessibility), bởi tất cả các ứng dụng của ngân hàng, thuế hay bất kỳ cơ quan nào khác đều không yêu cầu quyền này.
Nếu nghi ngờ bị lừa, người dân cần liên hệ ngay với cơ quan Công an để được hỗ trợ; ngay lập tức tắt Wifi, dữ liệu di động; tháo sim, tắt nguồn điện thoại để ngăn chặn việc đối tượng chiếm quyền truy cập trái phép hoặc đọc mã OTP ngân hàng gửi về điện thoại. Trong trường hợp không thể tắt nguồn, người dân cần tắt thiết bị phát sóng Wifi hoặc di chuyển ra xa khoảng cách bắt tín hiệu Wifi để ngắt hoàn toàn kết nối với đối tượng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!