Bản cam kết giả mạo danh Công ty Cổ phần Truyền thông Du lịch Việt để lừa khách hàng.
Theo đại diện một số doanh nghiệp du lịch - lữ hành, vào những thời điểm nhu cầu thị trường cao và sức mua tăng, những trường hợp lừa đảo khách du lịch xuất hiện nhiều hơn. Các đối tượng thường nắm bắt tâm lý khách hàng có nhu cầu tìm kiếm thông tin du lịch nên sử dụng nhiều hình thức quảng cáo, tiếp thị trên mạng xã hội, đạo nhái tên thương hiệu, màu sắc tương tự... chào bán tour du lịch trong và ngoài nước với mức giá "ảo" và sản phẩm, dịch vụ "giả". Nhiều đối tượng còn lập nhóm mạo danh các doanh nghiệp du lịch - lữ hành liên hệ khách hàng, du khách trong và ngoài nước qua nhiều hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp. Điều này có thể khiến khách hàng bị chiếm đoạt tiền cọc, dụ dỗ áp dụng khuyến mãi rẻ để mua kèm sản phẩm khác...
Công ty Cổ phần Truyền thông Du lịch Việt vừa thông báo về hiện tượng trục lợi có mục đích xấu trong mùa cao điểm du lịch cuối năm 2023. Đối tượng xấu dùng nhiều hình thức chào bán tour du lịch đi Nhật Bản với mức giá 6.999.000 đồng/khách hàng, với hành trình 6 ngày. Có những trường hợp khách hàng nhận được hợp đồng đầy đủ thông tin, dấu mộc, chữ ký... của đơn vị khác nhưng lại sử dụng logo của công ty.
Ông Phạm Anh Vũ, Giám đốc Truyền thông, Công ty Cổ phần Truyền thông Du lịch Việt, khẳng định doanh nghiệp không bán tuor đi Nhật Bản với mức giá đó. Đồng thời, khuyến cáo người dân và du khách khi tìm kiếm hoặc đăng ký những sản phẩm du lịch nên tìm hiểu kỹ chương trình, dịch vụ tour bao gồm hay không bao gồm gì. Tiếp theo, khách hàng nên lựa chọn đặt sản phẩm tour, đặt phòng, đặt vé máy bay của những công ty uy tín; đồng thời có thể đề nghị phía công ty cho xem giấy phép hoạt động kinh doanh, những chứng từ pháp lý liên quan đến công ty du lịch - lữ hành muốn mua tour.
Riêng đối với yêu cầu chuyển tiền đặt cọc giữ chỗ, ông Phạm Anh Vũ chia sẻ thêm, nếu có thể người dân, du khách trong, ngoài nước nên thực hiện giao dịch thanh toán trực tiếp tại trụ sở văn phòng công ty du lịch - lữ hành, nâng cao cảnh giác với những trường hợp thu tiền tại địa điểm công cộng như nhà hàng, quán cà phê... Khách hàng phải chủ động liên lạc qua số điện thoại, kênh thương mại điện tử, nền tảng mạng xã hội…. chính thống của doanh nghiệp du lịch - lữ hành nhằm xác minh thông tin sản phẩm, dịch vụ trước khi tour tuyến du lịch.
Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh đã có buổi làm việc với Thanh tra Sở Du lịch Thành phố liên quan phản ánh của một đơn vị về một doanh nghiệp du lịch nhận tiền tour hơn 1,2 tỷ đồng nhưng không thực hiện nghĩa vụ, ảnh hưởng đến quyền lợi của đoàn 64 khách MICE (du lịch kết hợp hội thảo).
Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh hiện cũng đang phối hợp cùng các sở, ngành liên quan rà soát lại hoạt động kinh doanh, đưa đón khách, đóng thuế… của một số doanh nghiệp du lịch - lữ hành có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật. Đồng thời, Thanh tra Sở cũng đang phối hợp cùng nhiều bên liên quan để giải quyết vụ việc nghi có dấu hiệu lừa đảo của một doanh nghiệp du lịch theo đúng quy định pháp luật.
Các doanh nghiệp du lịch cũng khuyến cáo du khách, trong trường hợp phát hiện có dấu hiệu lừa đảo, khách hàng cần trình báo cho cơ quan chức năng để được hướng dẫn giải quyết và đảm bảo quyền lợi chính đáng của mình. Đối với hoạt động mua bán, quảng bá các gói du lịch, nhất là du lịch, vé máy bay giá rẻ... trên mạng xã hội, người dân nên chọn các trang mạng xã hội có uy tín hoặc tìm hiểu rõ thông tin của đơn vị cung cấp hay người bán. Khách hàng xác nhận lại thông tin và phát hiện dấu hiệu lừa đảo phải trình báo cho cơ quan chức năng để kịp thời được hướng dẫn giải quyết.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!