Cảnh giác thủ đoạn giả shipper lừa đảo, hack tài khoản người mua hàng

Xuân Sơn-Chủ nhật, ngày 06/10/2024 20:56 GMT+7

VTV.vn - Không chỉ bị mất vài trăm nghìn đồng vì các đối tượng giả mạo người giao hàng nhanh với món hàng không có thật, mà người dân có thể còn là nạn nhân của một bẫy lừa đảo.

Thường xuyên mua hàng trực tuyến và thay vì trực tiếp nhận hàng, lại thường nhờ shipper gửi hàng tại lễ tân của tòa nhà, người phụ nữ đã dính bẫy lừa. Chị kể lại, mới đây một shipper sau khi được chị chuyển khoản mua hàng đã gọi điện thông báo gửi nhầm cho chị số tài khoản đăng ký hội viên của công ty. Gửi tiền vào đó, đồng nghĩa với việc chị đã đăng ký hội viên và sẽ bị tự động khấu trừ 3,5 triệu đồng/tháng. Để hủy lệnh này, chị cần truy cập vào đường link và làm theo hướng dẫn

"Tôi cũng chủ quan và click vào cái đường link đó. Tôi đã làm theo hướng dẫn của đối tượng, điền đầy đủ thông tin để hủy lệnh đăng ký thành viên. Đến chiều tôi mới phát hiện tài khoản của mình bị trừ mất gần 10 triệu đồng. Lúc đó tôi mới biết mình bị lừa", nạn nhân chia sẻ.

Dưới góc nhìn của các chuyên gia an ninh mạng, màn kịch lừa đảo trên đã được kẻ xấu dàn dựng và thực hiện từng bước.

"Trong tình huống này, đối tượng lừa đảo đã gửi đường link, dẫn dụ nạn nhân truy cập vào website lừa đảo, có giao diện gần giống với website của đơn vị giao hàng. Đối tượng lừa đảo sẽ dẫn dụ nạn nhân điền các thông tin về mật khẩu, tài khoản, mã OTP. Những thông tin này sẽ được chuyển đến cho hacker để hacker tận dụng những thông tin này rút sách tiền trong tài khoản của nạn nhân", anh Nguyễn Trung Thành (chuyên gia an ninh mạng Công ty Công nghệ an ninh mạng Quốc gia Việt Nam) cho biết.

Cảnh giác thủ đoạn giả shipper lừa đảo, hack tài khoản người mua hàng - Ảnh 1.

Cơ quan công an cảnh báo, kẻ xấu cũng có thể giả danh người giao hàng, giao đơn hàng giả để chiếm đoạt tiền mua hàng. (Ảnh minh họa - Ảnh: PLO)

Tiếp nhận phản ánh, các đối tượng lừa đảo thường đưa ra thông tin trùng khớp với đơn hàng mà người mua hàng đã đặt. Do vậy, họ đã dễ dàng mắc lừa. Đại diện Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng Quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng, vấn đề là ở chỗ, khi theo dõi các phiên livestream bán hàng, nhiều người đã chủ quan, để lại trong phần bình luận thông tin về đơn hàng muốn mua, số điện thoại và địa chỉ giao hàng.

"Qua các fanpage bán hàng trực tuyến trên mạng, người mua hàng có thể để lại số điện thoại để người giao hàng liên hệ. Từ những số điện thoại này, các đối tượng có thể mua các dữ liệu trôi nổi trên không gian mạng và so sánh xem có đúng là có những khách hàng như vậy đặt hàng hay không, từ đó dựng lên kịch bản lừa đảo", anh Nguyễn Phú Lương (Phó Giám đốc Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng Quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông) cho hay.

Cơ quan công an nhận định, giả shipper lừa đảo người mua hàng click vào đường link đăng ký thành viên Hội giao hàng thực chất là biến tướng của chiêu trò phát tán những tin nhắn như: thông báo tài khoản ngân hàng đang bị đăng nhập bởi một thiết bị khác, thông báo nhận được tiền hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp, hay thông báo trúng thưởng… Mục đích là để những người nhẹ dạ click vào những đường link có chứa mã độc.

"Vẫn là chiêu trò mạo danh cán bộ của các cơ quan chức năng tiếp cận, dẫn dụ, hoặc đe dọa người dân để người dân làm theo hướng dẫn của chúng nhằm thực hiện hành vi lừa đảo. Tuy nhiên chiêu trò này đã tinh vi và nguy hiểm hơn do các đối tượng lừa đảo đã lợi dụng công nghệ để thực hiện hành vi lừa đảo", Thiếu tá Nguyễn Ngọc Hoàng (Phó Đội trưởng đội cảnh sát hình sự, Công an quận Long Biên, Hà Nội) nhận định.

Cơ quan công an cảnh báo, kẻ xấu cũng có thể giả danh người giao hàng, giao đơn hàng giả để chiếm đoạt tiền mua hàng.

Phòng chống lừa đảo giao hàng nhanh

Thủ đoạn rất nhiều, vì khi chúng ta để lại các thông tin cá nhân, những kẻ lừa đảo có thể dựng lên các kịch bản thuyết phục.

Chị Quỳnh (Nam Từ Liêm, Hà Nội) là người thường xuyên mua hàng trực tuyến. Chị cho rằng, để không bị mắc lừa, điều quan trọng là phải luôn đề cao cảnh giác. Như mới đây, nhờ cẩn trọng, chị đã phát hiện ra những dấu hiệu bất thường của người giao hàng nhanh.

"hôm đó, shipper gọi điện và chỉ nói tôi có đơn hàng. Tôi hỏi đơn hàng gì thì người đó trả lời rất lắp bắp. Tôi lại hỏi anh ở đơn vị vận chuyển nào thì họ trả lời là đơn vị mà tôi thường xuyên nhận hàng. Tôi được biết mỗi khu vực thường có 1 - 2 người giao hàng cố định. Vài phút sau, họ liên tục nhắn tin, gọi điện giục tôi chuyển tiền. Tôi nghi ngờ đây là đối tượng có dấu hiệu lừa đảo và tôi đã tắt máy, không chuyển tiền", chị Hoàng Thị Quỳnh (Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ.

Trên website chính thức của đơn vị kinh doanh dịch vụ chuyển phát nhanh liên tục phát đi cảnh báo về hiện tượng mạo danh shipper để lừa đảo. Đại diện đơn vị cho biết, việc ứng dụng công nghệ để hỗ trợ người mua hàng trực tuyến phòng chống lừa đảo đóng vai trò rất quan trọng.

"Khuyến cáo người dân kiểm tra thật kỹ khi nhận thông tin về bất kỳ đơn hàng online nào. Dù các đối tượng shipper có thể gọi điện, có đầy đủ thông tin như đơn hàng đang giao vào giờ này, đang chuyển đến đâu thì cũng nên kiểm chứng xem có đúng là có người nhận được giúp mình hay chưa và có đúng mình đặt đơn hàng đấy không, có đúng đấy là shipper của công ty mình mua hàng hay không", anh Nguyễn Phú Lương (Phó Giám đốc Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng Quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông) nói.

Còn theo các chuyên gia an ninh mạng, người dân cần thận trọng khi cài đặt các ứng dụng trên điện thoại, cần ghi nhớ, chỉ tải các ứng dụng từ các nguồn chính thống để tránh bị trục lợi và bị lộ lọt dữ liệu cá nhân.

"Tuyệt đối chúng ta không click vào những đường link lạ hay cài đặt phần mềm từ những nguồn không chính thống. Kkhi cài đặt phần mềm, chúng ta phải kiểm tra xem tính năng phần mềm là gì, có yêu cầu cung cấp thông tin nhạy cảm hay không", anh Nguyễn Trung Thành (chuyên gia an ninh mạng Công ty Công nghệ an ninh mạng Quốc gia Việt Nam) cho biết.

Người dùng cần gỡ bỏ ngay những ứng dụng không đáng tin cậy được cài đặt từ các nguồn không chính thống, vì có thể trong quá trình cài đặt các ứng dụng này, kẻ xấu đã dẫn dụ người dùng điện thoại cho phép thực hiện quyền truy cập vào các nguồn dữ liệu nhạy cảm trên điện thoại để từ đó thực hiện hành vi trục lợi.

Nhận đặt cọc tiền vé xe trên mạng, thanh niên lừa đảo hơn 300 triệu đồng Nhận đặt cọc tiền vé xe trên mạng, thanh niên lừa đảo hơn 300 triệu đồng

VTV.vn - Công an huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) vừa khởi tố và tạm giam Nguyễn Đức Triệu, trú tại tỉnh Hưng Yên, về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước