Đắk Lắk: 560 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp từ đầu năm 2024 đến nay

Phong Nguyễn - Quang Hà-Thứ tư, ngày 26/06/2024 15:27 GMT+7

Một khu vực rừng bị lâm tặc xâm hại.

VTV.vn -Từ đầu năm 2024 tới nay, tại tỉnh Đắk Lắk đã xảy ra 560 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, diện tích rừng bị xâm hại hơn 94 ha, tăng 88 vụ so với cùng kỳ năm 2023.

Diện tích rừng bị xâm hại chủ yếu ở các huyện: Cư M’gar, Buôn Đôn, Ea Súp, Krông Bông và M’Đrắk… Các vụ phá rừng xảy ra từ đầu năm tới nay chủ yếu là lấn chiếm đất rừng. Hiện nay công tác quản lý rừng còn nhiều hạn chế, do thiếu nguồn nhân lực.

Các công ty lâm nghiệp, chủ rừng, ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng không đủ kinh phí chi trả lương, trợ cấp cho người lao động. Một lượng lớn lao động quản lý bảo vệ rừng đồng loạt nghỉ việc. Đơn cử như Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Buôn Wing (đứng chân trên địa bàn huyện Cư M'gar) quản lý 3.248 ha, trong đó 622 ha đất có rừng. Diện tích rừng ít nhưng phân bố ở 7 tiểu khu theo kiểu "da báo" nên người dân dễ lấn chiếm nhưng tiền lương của cán bộ làm công tác giữ rừng bình quân chỉ 5 triệu đồng/người/tháng một số cán bộ giữ rừng xin nghỉ việc, dẫn tới lực lượng mỏng, ảnh hưởng đến công tác giữ rừng.

Theo các chủ rừng trên địa bàn tỉnh, một trong những nguyên nhân khiến tình trạng vi phạm lâm luật vẫn còn phức tạp là do quyền hạn của lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng còn hạn chế, chỉ dừng lại ở mức độ phát hiện, lập biên bản vi phạm ban đầu, bảo vệ hiện trường và báo cáo cơ quan chức năng mà không có quyền bắt giữ người và tang vật vi phạm.

Được biết, tính đến hết năm 2023, Đắk Lắk có hơn 497.235 ha đất có rừng (trong đó, rừng tự nhiên gần 411.931 ha, rừng trồng hơn 85.304 ha), diện tích đất chưa có rừng gần 240.048 ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 38,04%.

Để công tác quản lý bảo vệ rừng trở nên hiệu quả hơn thì cần thiết phải nâng đơn giá hỗ trợ từ 300 lên 500 nghìn đồng/ha, đối với những vùng sâu vùng xa tăng 20% tương đương mức 600 nghìn đồng/ha theo Nghị định 58 của Chính phủ; bố trí kinh phí hỗ trợ các công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng, chủ rừng thực hiện chi trả cho nhân lực tham gia quản lý bảo vệ rừng; xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức hủy hoại rừng để xâm lấn đất rừng canh tác…

Thời gian qua, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Nhờ đó, tình hình vi phạm pháp luật bảo vệ rừng cơ bản được kiểm soát tốt hơn trong thời gian gần đây. Công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, quản lý lâm sản ngày càng được tăng cường, nhiều vụ việc đã được ngăn chặn, xử lý kịp thời.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Từ khóa:

phá rừng

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước