Cán bộ địa chính thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu chỉ ra nhiều khu đất thuộc diện "đang tranh chấp" trên địa bàn.
Xử thua kiện "chủ đất từ trên trời rơi xuống"
Mới đây, TAND huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai đã mở phiên tòa sơ thẩm công khai vụ án "tranh chấp về quyền sử dụng đất" giữa ông Nguyễn Đức Đầy và ông Hoàng Minh Dũng.
Theo hồ sơ vụ án, ngày 23/06/2017, Văn phòng đăng ký đất đai Chi nhánh huyện Vĩnh Cửu đã cấp "Biên nhận hồ sơ đất" cho ông Nguyễn Đức Đầy thửa đất số 145 tờ bản đồ số 41 với diện tích là 2587m2 và thửa đất số 146, tờ bản đồ số 41 với diện tích là 2386m2, đặc biệt ngày 22/11/2021 Văn phòng đăng ký đất đai của huyện đã tiến hành đo vẽ, hoàn tất thủ tục để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Đầy theo Luật Đất Đai. Tuy nhiên, ông Hoàng Minh Dũng đã tranh chấp quyền sử dụng đất với lý do đây là đất do cha mẹ ông là ông Hoàng Đơn và bà Hồ Thị Chức khai phá mà có rồi để lại cho, khiến ông Đầy không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Trong khoảng thời gian từ đó tới nay, ông Dũng xây dựng nhiều công trình trên đất, lập rào tôn, ngăn ông Đầy tới đất.
Hàng rào tôn do gia đình ông Hoàng Minh Dũng dựng ngoài lô đất "tranh chấp" với ông Nguyễn Đức Đầy
Bức xúc vì thửa đất của bản thân bất ngờ bị "tranh chấp" khiến không thể làm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ông Đầy đã làm đơn khởi kiện ra tòa.
Tòa nhận định, căn cứ ý kiến trình bày của nguyên đơn và các chứng cứ, tài liệu có tại hồ sơ thể hiện, nguồn gốc diện tích 2080.7m2 thuộc một phần thửa đất số 145 tờ bản đồ số 41 thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai mà đương sự đang tranh chấp nằm trong tổng diện tích 290ha do UBND tỉnh Đồng Nai đang quản lý và tạm cấp cho ban quản lý công trình thủy điện Trị An xây dựng công trình thủy điện. Sau khi xây dựng xong nhà máy thủy điện, ban quản lý công trình thủy điện Trị An không bàn giao lại cho địa phương quản lý nên một số hộ dân vào khai hoang phục hóa và sử dụng đến nay.
Căn cứ đơn xin xác nhận đất tự khai phá được ban đại diện tỉnh tại công trình thủy điện Trị An xác nhận ngày 15/5/1984, thể hiện ông Nguyễn Đức Đầy vào khai hoang, phục hóa từ năm 1984.
Tại đơn xác nhận của UBND trị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu cũng thể hiện nguồn gốc đất này do ông Đầy khai phá từ năm 1984. Lời khai của những người làm chứng cũng chứng thực ông Đầy có thời gian sử dụng đất lâu dài, ổn định, liên tục từ năm 1984. Trong quá trình sử dụng đất, ông Đầy có đăng ký kê khai xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 2017. Xác minh tại UBND thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu được xác nhận thửa đất số 145 tờ bản đồ số 41 thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai có ông Nguyễn Đức Đầy kê khai. Sau khi kê khai có phát sinh tranh chấp nên chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Trong khi đó, ông Hoàng Minh Dũng cho rằng nguồn gốc thửa đất số 145 tờ bản đồ số 41 thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu tỉnh Đồng Nai do cha mẹ của ông là ông Hoàng Đơn và bà Hồ Thị Chức khai phá từ năm 1975 đến năm 2015 giao lại cho ông để canh tác sử dụng.
Quá trình giải quyết vụ án, ông Dũng chỉ cung cấp các bản photo tài liệu về hồ sơ bản vẽ đo đạc địa chính năm 2015 do đơn vị đo đạc thực hiện theo yêu cầu, các tài liệu này không phải giấy tờ thể hiện nguồn gốc sử dụng đất.
Ngoài những tài liệu này và ý kiến trình bày, ông Dũng không cung cấp được bất cứ giấy tờ nào thể hiện nguồn gốc thửa đất, giấy tờ giao đất cho ông sử dụng. Quá trình giải quyết vụ án, ông Đơn và bà Chức cũng không cung cấp được giấy tờ cần thiết chứng minh, thể hiện nguồn gốc, quá trình sử dụng đất này là của ông Đơn và bà Chức.
Từ năm 1983 đến năm 2021, ông Dũng không quản lý, sử dụng đất và không thực hiện việc đăng ký kê khai để xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Năm 2021, ông Dũng lấn chiếm đất, dựng hàng rào, nhà tạm, trồng cây trên thửa đất nên ông Nguyễn Đức Đầy và ông Hoàng Minh Dũng tranh chấp cho đến nay. Mặt khác, trường hợp nguồn gốc thửa đất trên là của ông Đơn và bà Chức khai phá từ năm 1975 theo ý kiến của ông Dũng trình bày thì năm 1983 UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã quản lý đất này và giao Ban Quản lý công trình thủy điện Trị An quản lý năm 1983 để quản lý và sử dụng xây Nhà máy thủy điện Trị An, do đó, thửa đất không còn thuộc quyền sử dụng của ông Đơn và bà Chức theo quy định tại Điều 26 Luật Đất đai năm 2013 (Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được giao theo quy định của Nhà nước cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước).
Từ những nhận định trên HĐXX nhận thấy đủ cơ sở xác định đất tranh chấp thuộc quyền sở hữu của ông Nguyễn Đức Đầy và yêu cầu tháo dỡ công trình xây dựng trên đất đối với ông Hoàng Minh Dũng.
Kết thúc phiên tòa, HĐXX tuyên giao ông Nguyễn Đức Đầy quản lý diện tích đất tranh chấp trong đơn, buộc ông Dũng tháo dỡ toàn bộ công trình trên thửa đất tranh chấp này và chịu toàn bộ án phí.
Cần có biện pháp giám sát, xử lý những "chủ đất từ trên trời rơi xuống"
Thực tế, câu chuyện xuất hiện những người không biết từ đâu đến, tự dựng rào, xây công trình trên đất, thậm chí "khủng bố" người chủ thực sự của mảnh đất đó để tranh chấp, đã xảy ra ở nhiều địa phương, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống nhân dân, làm trì hoãn quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhiều người với đất và tài sản trên đất, cũng như gây quá tải cho hệ thống tư pháp trong việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ vụ việc...
Thời gian qua, công tác xử lý tranh chấp cũng gặp không ít những khó khăn, đặc biệt là ở những khu vực như thủy điện Trị An – nơi nhiều người dân trước đây đi khai hoang, phát triển kinh tế mới, tuy nhiên sau đó đất bị thu hồi, người dân bỏ đi nơi khác sinh sống, làm ăn, nay thấy đất có giá trị nên quay lại đòi đất. Bằng chứng là cho đến nay, nhiều vụ việc tương tự như vụ tranh chấp của ông Đầy kể trên, vẫn chưa được cơ quan chức năng xác minh xử lý xong.
Một trường hợp khác cũng tại huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, khi người canh tác lâu năm trên đất bị nhiều đối tượng "máu mặt" đến dựng tường rào nhận đất, "khủng bố" không cho đến đất của mình, khiến khu đất thuộc vào diện "tranh chấp" khiến cơ quan chức năng chưa thể cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Hồi tháng 4, Thời báo VTV cũng đã phản ánh về vấn đề này qua bài viết "Đồng Nai: Cảnh báo thủ đoạn mới trong tranh chấp đất đai".
Trao đổi với Thời báo VTV, Luật sư Sin Thoại Khánh, thuộc Công ty Luật TNHH MTV Thoại Khánh – Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cho biết, trường hợp có những đối tượng đi đo đạc địa chính thửa đất không phải của mình rồi dùng hồ sơ này để gây khó khăn cho những người vốn dĩ đã lưu trú, sử dụng đất nhiều năm trong việc chứng nhận quyền sử dụng đất, nguyên nhân là do hiện nay xuất hiện nhiều đơn vị đo vẽ tư nhân thiếu trách nhiệm. Các đơn vị này đo vẽ theo yêu cầu của bất cứ cá nhân, tổ chức nào và thu phí dịch vụ. Người yêu cầu chỉ cần chỉ ranh và vị trí đất là họ tiến hành đo vẽ chứ không cần phải xuất trình bất cứ loại giấy tờ gì để chứng minh đất thuộc quyền sử dụng của mình. Đây chính là điểm bất cập và cũng chính là nguyên nhân gây ra khó khăn cho người trực tiếp quản lý và sử dụng đất lâu năm.
Luật sư Sin Thoại Khánh thuộc Công ty Luật TNHH MTV Thoại Khánh – Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh
Lý giải về vấn đề có những trường hợp, người dân bị các đối tượng "máu mặt", bất hảo, ngang nhiên vào đất của mình sách nhiễu, nhưng cơ quan chức năng lại không hoặc chưa đủ căn cứ để xử lý mà thường chỉ nhận định đó là "tranh chấp dân sự", Luật sư Sin Thoại Khánh nhận định: "Theo quy định của pháp luật về đất đai thì khi người dân chưa đăng ký quyền sử dụng đất, chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng thì chưa được nhà nước công nhận quyền sử dụng đất nên khi có tranh chấp các cơ quan chức năng chưa xác định được đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của ai nên thường xác nhận là "tranh chấp dân sự".
"Tuy nhiên trên thực tế nếu người dân đang canh tác và sử dụng đất lâu năm nhưng bị nhiều người đến gây rối, sách nhiễu đòi đất nhưng họ không phải là chủ đất, không có tài liệu, giấy tờ gì để chứng minh quyền sử dụng của bản thân thì có thể khởi tố nhóm người này về hành vi "Gây rối trật tự công cộng" theo như quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015".
Mặc dù vậy, Luật sư Khánh cũng cảnh báo về vấn đề quá tải xử lý hồ sơ của cơ quan tư pháp khi nhiều đối tượng liên tiếp gửi đơn kiện – mà không ít trong số đó nhằm mục đích sách nhiễu, cản trở người dân trong việc chứng minh nguồn gốc đất…
Để giải quyết vấn đề này, ông Khánh nhận định, khi giải quyết tranh chấp đất đai, các cơ quan chức năng nên căn cứ vào các tài liệu do các bên cung cấp, nếu người làm đơn có đủ tài liệu, chứng cứ xác định đất tranh chấp thuộc quyền sử dụng của họ thì cơ quan có thẩm quyền mới thụ lý. Những trường hợp các đương sự không cung cấp được bất cứ loại giấy tờ, tài liệu gì, hoặc giấy tờ đó không liên quan đến đất đang tranh chấp thì không nên thụ lý giải quyết để tránh áp lực cho chính quyền địa phương. Ngoài ra, cần quy định trách nhiệm cụ thể, cần thiết có thể chế tài đối với tổ chức đo đạc cho các cá nhân khi những người này không xuất trình được tài liệu, giấy tờ chứng minh đối với quyền sử dụng đất của mình, đồng thời cũng cần quy định rõ trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc thụ lý hồ sơ không đúng quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, lực lượng công an tại địa phương cũng cần hỗ trợ chính quyền trong việc sàng lọc, xử lý đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật, gây rối trật tự tại địa phương mà cụ thể là liên tục đâm đơn kiện đòi chứng nhận quyền sử dụng đất trong khi không có bất cứ cơ sở pháp lý nào ngoài bản vẽ đo đạc "tự phát".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!