Theo nguồn tin từ bạn đọc, phóng viên Báo điện tử VTV News đã trực tiếp có mặt tại thị xã An Khê nhằm ghi nhận sự di chuyển của các xe quá khổ - quá tải chở nguyên liệu mía.
Ngay trong ngày đầu tiên - ngày 29/3, chúng tôi đã ghi nhận tình trạng xe tải chở nguyên liệu mía đã được cơi nới thành thùng, có dấu hiệu quá tải ngang nhiên di chuyển trên đường tới cổng trước của Nhà máy đường An Khê. Ở địa bàn này, có hai điểm giống chốt kiểm soát, được dựng tại nhà dân. Mỗi chốt chỉ có một đến hai cảnh sát giao thông làm việc. Khi đến chốt, nhiều xe tải chở nguyên liệu mía chủ động dừng lại. Nhiều xe thậm chí cứ thế đi qua. Tại chốt giao thông phía trước nhà máy, khi dừng xe, tài xế xuống xe, vòng qua xe tải vào trình báo rồi quay ra đi tiếp trong vòng 30 giây. Cán bộ cảnh sát giao thông chủ yếu ngồi trong chốt, không tiến hành kiểm tra phương tiện và hàng hoá vận chuyển. Tại con đường phía sau nhà máy, chỉ có một cán bộ cảnh sát giao thông làm việc. Khi phóng viên vào phỏng vấn thì cán bộ này đang nằm trên giường, phóng viên đề nghị trả lời một số câu hỏi về kế hoạch làm việc thì cán bộ này che bảng tên và xin phép liên hệ lãnh đạo để trả lời. Cán bộ này cho biết đây không phải là chốt mà chỉ đang nghỉ ngơi. Thời điểm đó là 14:51, trong giờ làm việc.
Cán bộ CSGT lúng túng khi trả lời phóng viên
Tiếp tục quan sát, phóng viên ghi nhận được hình ảnh cán bộ cảnh sát giao thông này không kiểm tra giấy tờ của lái xe, chỉ cầm cho có lệ, lấy từ trong đó ra đồ vật giống tiền bỏ vào túi trước khi cho xe đi. Chỉ trong vòng chưa đến 30 phút đã có 16 chuyến xe chở nguyên liệu mía đi qua, đều có dấu hiệu cơi nới, quá khổ - quá tải nhưng không có bất cứ phương tiện nào bị xử lý. Đặc biệt, trong đó có nhiều phương tiện mang biển kiểm soát nước ngoài hoặc che kín biển số, xe treo biển đăng kiểm nhưng vẫn được lưu thông không bị kiểm tra, nhắc nhở.
Phóng viên đã tiếp cận một tài xế xe tải để ghi nhận khách quan hơn. Theo lời của người này, có tới 3 chốt trạm cảnh sát giao thông xung quanh Nhà máy đường An Khê. Và mỗi loại xe tải qua chốt đều phải chung chi với mức giá khác nhau: xe 3 chân (3 trục bánh) là 250.000đ, xe 4 chân (4 trục bánh) là 300.000đ và xe Kamaz (một dòng xe tải của Nga phổ biến tại đây) có giá 200.000đ.
Dấu hiệu tiêu cực được phóng viên VTV News ghi nhận ngày 11/4/2022
Ngày 11/4/2022, phóng viên Báo điện tử VTV News đã làm việc với Công an thị xã An Khê và tới UBND thị xã xin phỏng vấn nhưng chưa được tiếp. Ngày 18/4/2022, liên hệ với ông Nguyễn Thanh Huy - Trưởng Công an thị xã An Khê qua điện thoại, ông cho biết do ông mới nhận nhiệm vụ, chưa rõ chỗ nào, như thế nào nên cần kiểm tra, đồng thời cũng hẹn chiều ngày 22/4/2022 sẽ tiếp phóng viên và trả lời về các nội dung liên quan.
Trong lúc chờ đợi phản hồi chính thức của các cơ quan chức năng, phóng viên đã liên hệ tìm hiểu qua người dân địa phương.
Anh T.Q.T (40 tuổi, người dân địa phương) cho biết: "Tình trạng xe chở mía quá khổ - quá tải diễn ra đã từ rất lâu nhưng chưa từng được xử lý dứt điểm. Đường sá ở đây hư hại nhiều, ổ gà ổ trâu cũng phần lớn do những chiếc xe quá tải này. Không chỉ vậy, vào giờ cao điểm, các phương tiện ồ ạt di chuyển tới nhà máy, xe cộ thì cơi nới khiến cho người dân chúng tôi rất lo sợ khi di chuyển trên cùng tuyến đường".
Phỏng vấn người dân địa phương
Được biết, hàng năm, từ khoảng tháng 12 tới tháng 4 năm sau, nhà máy đường An Khê (xã Thành An, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) thu hoạch mía nguyên liệu. Nhà máy này có công suất ép 18.000 tấn mía cây/ngày nên mỗi ngày nhà máy sẽ tiếp nhận khoảng 500 đến 1.200 xe mía. Vùng nguyên liệu mía của Nhà máy đường An Khê tập trung chủ yếu ở các huyện khu vực phía Đông tỉnh Gia Lai (gồm các huyện: Kbang, Kông Chro, Đak Pơ và thị xã An Khê), qua các ngả đường chính như quốc lộ 19, đường Trường Sơn Đông, tỉnh lộ 669 đến Nhà máy đường An Khê, với quãng đường bình quân khoảng 20 đến 40km.
Tìm hiểu qua một số cơ quan truyền thông, chính Công an thị xã An Khê đã tham mưu Thị ủy, UBND và Ban An toàn giao thông thị xã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn trong việc siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và tăng cường kiểm soát tải trọng, phương tiện. Trong 3 tháng đầu năm nay, theo báo cáo, lực lượng CSGT Công an thị xã đã lập biên bản xử phạt hành chính 31 trường hợp với số tiền hơn 173 triệu đồng. Trong số các trường hợp vi phạm, có 2 phương tiện chở hàng vượt quá chiều cao cho phép, 27 trường hợp quá tải trọng từ 10% đến 150% và 2 trường hợp vi phạm kích thước thành thùng xe.
Tuy nhiên, với những gì phóng viên Báo điện tử VTV News trực tiếp ghi nhận trong những ngày vừa qua, chúng tôi cho rằng cơ quan chức năng cần quyết liệt hơn trong rà soát, đấu tranh chống tiêu cực, nếu có; xử lý các phương tiện vi phạm để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, bảo vệ chất lượng hạ tầng giao thông cũng như tạo điều kiện thuận lợi, hợp pháp cho hoạt động thu mua vận tải nguyên liệu của doanh nghiệp địa phương.
Báo điện tử VTV NEWS sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!