Giải pháp nào cho thực trạng giả mạo tài liệu nhằm cưỡng đoạt tài sản trên YouTube?

Nguyễn Vân-Thứ hai, ngày 15/04/2024 13:29 GMT+7

Ảnh minh họa

VTV.vn - Chủ thể Thúy Nga tại nước ngoài đã sử dụng các tài liệu có dấu hiệu giả mạo nhằm gây sức ép với nhiều chủ kênh YouTube tại Việt Nam, thậm chí buộc phải chi tiền.

Đầu tháng 3, nhiều kênh YouTube tại Việt Nam đã bị Trung tâm Thúy Nga (có trụ sở tại Hoa Kỳ) "đánh gậy" liên tiếp. "Đánh gậy" (strike) là hành động cảnh báo vi phạm bản quyền ở mức cao nhất của nền tảng YouTube. Nếu một kênh YouTube nào đó bị một bên khác đánh 3 "gậy", sẽ bị sập kênh. Đồng thời, Thúy Nga đã gửi hồ sơ đến kênh YouTube gồm Giấy báo nhận đơn, đơn khởi kiện, giấy tờ pháp nhân công ty Thúy Nga khiến chủ kênh không thể khôi phục được video. Điều này đã buộc các chủ kênh là các nhà sáng tạo Việt Nam phải chi tiền cho chủ thể tại nước ngoài để nhanh chóng được "gỡ gậy". Thực tế cho thấy việc giải quyết tranh chấp theo thủ tục pháp lý thông thường sẽ dẫn đến thiệt hại hớn hơn về tài chính, thơi gian và công sức.

Điều mấu chốt của vụ việc này là các video bị cắm "cờ" đều hoàn toàn là công sức sáng tạo của các chủ thể kênh YouTube Việt Nam. Mỗi kênh video đều là trí tuệ và tâm huyết của các chủ thể sáng tạo Việt Nam.

Việc cắm "cờ" này của chủ thể Thúy Nga tại hải ngoại là hành động vô cùng bất hợp lý, đã gây ra trở ngại rất lớn cho các chủ kênh. Vì để phân giải được vụ việc này đòi hỏi các vụ kiện dân sự về tranh chấp quyền sở hữu video. Thông thường, các vụ kiện về bản quyền ở Việt Nam đòi hỏi thời gian hàng năm trời để có kết quả cuối cùng. Cùng với đó là phí tổn rất lớn cho luật sư tư vấn và tranh tụng. Chưa tính đến yếu tố nước ngoài của chủ thể có tranh chấp trong vụ việc này. Nếu phải mất thời gian hàng năm để giải quyết thì thiệt hại của các kênh là vô cùng lớn, chưa kể sẽ mất uy tín cũng như sụt giảm lượng khán giả follow của kênh.

Vẫn biết việc cắm "cờ" của chủ thể tại nước ngoài là bất hợp lý, nhưng trước mắt để giải quyết được tranh chấp thì có 3 chủ thể kênh sáng tạo Việt Nam đã chấp nhận chi trả khoản tiền lên tới 650 triệu đồng. Họ phải chấp nhận trả tiền để có thể hoạt động kênh một cách bình thường. Việc phải kéo dài tranh chấp, khiến ngưng trệ sáng tạo video sẽ khến họ thiệt hại lớn hơn.

Trong vụ việc này, một số chủ kênh ngay lập tức phát hiện ra dấu hiệu bất thường trong hồ sơ khởi kiện mà chủ thể Thúy Nga cung cấp. Thông thường sau khi nộp đơn kiện tại tòa, người nộp đơn sẽ được bộ phận hành chính của tòa gửi biên bản giao nhận tài liệu có kèm chữ ký của nhân viên bộ phận tiếp nhận đơn. Biên bản giao nhận tài liệu này sẽ không có chữ ký của thẩm phán, cũng như con dấu của tòa án như mẫu "Giấy báo nhận đơn" mà Thúy Nga cung cấp.

Ngoài ra, hồ sơ khởi kiện đi kèm của Thúy Nga cũng không được sao y chứng thực, hợp pháp hóa lãnh sự. Tài liệu này cũng có dấu hiện bất nhất: phần đầu ghi Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, nhưng phần cuối lại Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy.

Giải pháp nào cho thực trạng giả mạo tài liệu nhằm cưỡng đoạt tài sản trên YouTube? - Ảnh 1.

"Giấy báo nhận đơn" mà Thúy Nga cung cấp có chữ ký của thẩm phán Đỗ Quảng Oai, cùng con dấu của Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội

Do bức xúc, một số chủ kênh đã lên Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội để xác minh và đã được tòa xác nhận "Giấy báo nhận đơn" mà Thúy Nga cung cấp là giả mạo. Sau đó nhóm này đã cử đại diện làm việc với thẩm phán đã ký trên Giấy báo là ông Đỗ Quảng Oai, thì đã xác định được ông Đỗ Quảng Oai trước đây là Thẩm phán của Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội nhưng đã nghỉ hưu từ 1/10/2022, trong khi các "Giấy báo nhận đơn" của Thúy Nga lại được lập vào tháng 3/2024.

Trao đổi với báo chí, nguyên thẩm phán Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội Đỗ Quảng Oai cho biết: "Tôi là thẩm phán trung cấp, công tác tại tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội. Cụ thể tôi công tác tại tòa dân sự và tòa hành chính, chưa bao giờ tôi công tác tại văn phòng, cũng như chưa bao giờ tôi có chức năng nhận đơn cả. Tôi nghỉ hưu ngày 1/10/2022, mà giấy báo nhận đơn của Thúy Nga đều ký vào thời điểm tháng 3/2024. Tôi khẳng định giấy báo nhận đơn của Thúy Nga là giả mạo. Đối với hành vi sử dụng tài liệu giả, tôi đề nghị các cơ quan có thẩm quyền, xử lý hành vi này theo quy định của luật hình sự, để vừa bảo vệ cho những người bị khởi kiện trong đơn khởi kiện của Công ty Thúy Nga và để làm rõ hành vi gian dối này".

Ngay chỉ riêng hành vi này cũng đã có dấu hiệu của tội phạm giả mạo tài liệu, con dấu của cơ quan nhà nước thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Hình sự.

Vụ việc trên cho thấy điểm tối trong thị trường truyền thông trên YouTube. Đây là một sân chơi quốc tế mà các chủ thể sáng tạo Việt Nam cần phải chấp nhận luật chơi của họ. Trong đó, YouTube không phải là chủ thể phân xử ai là người sở hữu các video, ai là người sáng tạo nên các tác phẩm. Quyền này sẽ dành cho cơ quan xét xử và các cơ quan quản lý nhà nước ở các nước. Tuy nhiên, cơ chế giải quyết tranh chấp tại Việt Nam hiện nay đang còn nhiều bất cập và tốn thời gian. Thực trạng bị ép buộc các YouTube Việt Nam vừa qua có thể xảy ra với bất kỳ ai trong sân chơi YouTube.

Thực tiễn này đặt ra câu hỏi: Nên chăng cần có sự vào cuộc nghiêm khắc của các cơ quan quản lý?. Sự quan tâm, can thiệp của cơ quan công an đối với tình tiết giả mạo giấy tờ và sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan quản lý về bản quyền tác giả, về hoạt động an ninh mạng internet sẽ là căn cứ quan trọng trọng để tạo lập thị trường truyền thông công bằng, minh bạch.

Nhiều kênh YouTube Việt bất ngờ bị 'đánh gậy' bản quyền, phải trả tiền để gỡ Nhiều kênh YouTube Việt bất ngờ bị "đánh gậy" bản quyền, phải trả tiền để gỡ

VTV.vn - Nhiều chủ kênh YouTube cực chẳng đã phải lựa chọn phương pháp chuyển tiền cho đối tượng đã "đánh gậy" nhằm được "gỡ gậy".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước