Đoạn sông nơi Soi bỏ xác ông Lối sau khi bị sát hại. Ảnh: Báo Quảng Ngãi điện tử.
Ngày 28/9, TAND tỉnh Quảng Ngãi đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với các bị cáo Phạm Văn Soi (1998), Phạm Văn Nghề (1985) và Phạm Văn Cua (1996) cả 3 cùng trú tại thôn Làng Tốt, xã Ba Lế (Ba Tơ), về tội "Giết người" theo quy định tại Điều 123 BLHS.
Theo cáo trạng, nhiều năm trước, ông Phạm Văn Lối, 56 tuổi sống ở thôn Làng Tốt bị dân làng nghi kỵ "cầm đồ thuốc độc" nên thường bị một số người không ít lần đánh đập. Đầu năm nay, cha của Phạm Văn Soi, người cùng làng bị bệnh chết, Soi nghi ngờ ông Lối "cầm đồ thuốc độc" hại chết cha mình. Trong đêm 2/7, khi ông Lối đang trên đường qua sông về nhà thì Soi cùng 2 thanh niên khác ở cùng thôn đã chặn đánh ông Lối. Soi dùng rựa chém ông Lối rồi bỏ xác trôi sông.
Tòa án đã tuyên phạt Phạm Văn Soi 20 năm tù giam, 2 bị cáo khác nhận mức án 12 năm và 14 năm tù giam.
Từ lâu tệ nạn nghi kỵ đồ độc là hủ tục lạc hậu đã ăn sâu vào tiềm thức của một bộ phận bà con người đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi trong tỉnh. Mặc dù nhiều năm qua, chính quyền các địa phương đã khẳng định việc nghi kỵ đồ độc là không có cơ sở khoa học, tuyên truyền cho người dân xóa bỏ hủ tục này, nhưng nỗi nghi ngờ vẫn còn âm ỉ ở nhiều xóm làng vùng cao.
Một bộ phận người dân vùng cao quan niệm rằng "đồ độc" là thứ gì đó hết sức huyền bí, người nào có "đồ độc" thì có thể hại người khác. Ai bị "đồ độc", nếu không cúng sẽ đau ốm và cầm chắc mất mạng.
Hủ tục này đã mang lại không ít những câu chuyện đau lòng ở các huyện vùng cao trong thời gian qua, kết cục là án mạng, là thương tích, thậm chí vì nghi kỵ mà người bị nghi còn bị chính người thân trong gia đình, gia tộc đánh đập dã man cho đến chết.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!