Liên tiếp thu giữ hàng chục tấn thực phẩm bẩn

Khuất Minh-Chủ nhật, ngày 02/06/2024 06:02 GMT+7

VTV.vn - Gần đây, lực lượng quản lý thị trường và công an các địa phương liên tục kiểm tra, phát hiện nhiều vụ nhập khẩu, vận chuyển, mua bán thực phẩm không rõ nguồn gốc, quá hạn.

Chỉ cách đây vài ngày, Đội Quản lý thị trường số 4, Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn vừa giám sát tiêu hủy gần 1.400 kg măng khô và tươi không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tại khu xử lý rác thải của Công ty TNHH MTV Tâm Đức LS, toàn bộ số măng này đã bị nhúng nước và ép cùng rác hữu cơ để mang đi xử lý rác theo quy định pháp luật.

Trước đó ngày 23/5, Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa phối hợp với cảnh sát kinh tế Công an thành phố cũng đã phát hiện, bắt giữ 1.600 kg thực phẩm bẩn không rõ nguồn gốc trên xe ô tô mang biển số 34C - 358.64 do Nguyễn Đăng Hoàng (trú tại huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) điều khiển.

Lái xe và cũng là chủ hàng không xuất trình được giấy tờ, hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Đối tượng khai nhận số hàng này được mua và thu gom từ Hải Dương đưa về Thanh Hóa tiêu thụ.

Liên tiếp thu giữ hàng chục tấn thực phẩm bẩn - Ảnh 1.

Chân gà đông lạnh, bốc mùi, biến đổi màu sắc, thâm đen, chảy nước...

Ngày 20/5, gần 12 tấn nội tạng động vật nhập lậu vừa bị Đội Quản lý thị trường số 10, Cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra và phát hiện tại một kho lạnh tại khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh. Tại thời điểm kiểm tra, đại diện chủ hàng chưa xuất trình được các hóa đơn, giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của lô hàng trên.

Tràn lan thực phẩm không nguồn gốc

Liên tiếp các vụ việc thực phẩm không đảm bảo bị xử lý, nhưng liệu đã xử lý được hết hay chưa? Bản thân những người buôn bán kinh doanh thực phẩm bẩn họ cũng ăn uống hàng ngày, chắc chắn họ cũng muốn ăn sạch uống sạch, nhưng vì lợi nhuận, họ vẫn đưa ra thị trường những loại thực phẩm không xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng, thậm chí là bẩn... Có cầu ắt có cung, khi còn có người tiêu thụ, thực phẩm bẩn còn được đưa ra thị trường.

Chỉ một vài thao tác tìm kiếm, hàng nghìn các cửa hàng online hiện ra với các sản phẩm có tên "chân gà nội địa" hay "chân gà cay". Mỗi 1 cửa hàng lại một giá khác nhau: 100.000 đồng, 68.000 đồng, thậm chí chỉ 50.000 đồng cho 1 combo vài chục chiếc cánh hay chân gà ăn liền.

Giá thành rẻ, mẫu mã đa dạng, phong phú..., đây chính là mặt hàng ăn vặt được tìm mua số lượng lớn trên các sàn thương mại điện tử hay nền tảng xã hội.

Sau khi tiến hành đặt mua thử, phóng viên đã nhận được sản phẩm "chân gà cay". Bao bì, nhãn mác tiếng nước ngoài, không nhãn phụ, không hướng dẫn sử dụng, không có chi tiết thành phần và không có hạn sử dụng.

Gần đây, lực lượng quản lý thị trường và Cảnh sát kinh tế Công an Hà Nội đã phát hiện, thu giữ tới hơn 5.400 sản phẩm chân gà, cánh gà ăn sẵn. Tất cả đều không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ và được thu mua trôi nổi trên thị trường, sau đó vận chuyển từ Lào Cai về Hà Nội.

Những sản phẩm trên sau đó được bán lẻ cho các cửa hàng tạp hóa, ki-ốt bán đồ ăn vặt tại các khu vực có trường học, đông học sinh, sinh viên.

Không chỉ là chân gà đóng gói ăn sẵn, 4 tấn chân gà đông lạnh, bốc mùi, biến đổi màu sắc, thâm đen, chảy nước... đang trên đường đưa đi tiêu thụ thì bị lực lượng quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn phát hiện, thu giữ.

"Họ thường vận chuyển vào 1 - 2h đêm. Những mặt hàng trên bốc mùi, có hiện trượng chảy nước, không đảm bảo vệ sinh an toàn", ông Nguyễn Bình Nguyên, Đội trưởng Đội cơ động, Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn, cho biết.

Lực lượng chức năng đánh giá, do nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng thực phẩm thời gian gần đây tăng cao, các đối tượng đã thu gom chân gà từ nhiều lò mổ tại các tỉnh, thành, sau đó tập kết chuyển lên các tỉnh phía Bắc để tìm nơi tiêu thụ.

Chỉ tính riêng tại địa bàn tỉnh Lạng Sơn, trong thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường tỉnh đã tiến hành kiểm tra, xử lý gần 200 vụ vi phạm với số tiền xử phạt hơn 1,5 tỷ đồng.

Kiểm soát được thực phẩm bán tại cửa hàng đã không đơn giản, hiện cơ quan chức năng còn cần có giải pháp quản lý thực phẩm được bán qua mạng. Bởi lượng hàng kinh doanh qua phương thức này, trong đó có thực phẩm, ngày càng tăng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm, bên cạnh đó là kinh doanh thực phẩm xung quanh các trường học gây ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh, gây bức xúc trong xã hội.

TP Hồ Chí Minh quyết liệt “tuyên chiến” với thực phẩm bẩn TP Hồ Chí Minh quyết liệt “tuyên chiến” với thực phẩm bẩn

VTV.vn - Trước thực trạng gia tăng các vụ ngộ độc thực phẩm, TP Hồ Chí Minh đã có những giải pháp quyết liệt để "tuyên chiến" với thực phẩm bẩn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước