Chị Thu Phương (phố Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội) nghỉ việc từ tháng 4 đến nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Chị liên tục nhận được tin nhắn từ đầu số lạ với nội dung thông báo việc nhận trợ cấp từ Quỹ BHTN cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Trong tin nhắn có đường link dẫn đến một trang web có giao diện thiết kế tương tự với ứng dụng của ngân hàng. Trang web này yêu cầu người dùng đăng nhập tài khoản để tiến hành các bước tiếp theo.
"Không chỉ riêng mình đâu mà một số người bạn của mình cũng đã nhận được các tin nhắn như thế. Mình mong rằng các cơ quan chức năng sẽ sớm vào cuộc xử lý tình trạng này để tránh gây hoang mang" - chị Thu Phương nói.
Mới đây, một nạn nhân ở TP Hồ Chí Minh bị lừa mất hơn 600 triệu đồng với tin nhắn tương tự. Do ít tiếp xúc với công nghệ thông tin cũng như các phương tiện đại chúng, kèm với việc đã thất nghiệp nhiều tháng qua, chị nhanh chóng làm theo hướng dẫn từ tin nhắn. Sau khi thực hiện xong yêu cầu của đường dẫn, chỉ trong chưa đầy 5 phút, số tiền trong tài khoản ngân hàng của chị bị đánh cắp.
Bảo hiểm xã hội cùng các cơ quan công an liên tục phát cảnh báo tới người dân, đề phòng tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tiền từ tài khoản ngân hàng thông qua hình thức thông báo "hỗ trợ nhận bảo hiểm thất nghiệp". Khi người dân mất cảnh giác, đăng nhập vào các đường link lừa đảo trên sẽ hiển thị giao diện giao dịch giống với trang giao dịch điện tử của các ngân hàng phổ biến, sau đó các giao diện này sẽ yêu cầu cung cấp mật khẩu, mã OTP tài khoản ngân hàng để chiếm dụng tiền trong tài khoản của người dân.
Bảo hiểm xã hội cũng thông tin, thời gian nhận đề nghị nhận hỗ trợ của người lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp là đến ngày 20/12 năm nay. Người lao động tuyệt đối không thực hiện bất cứ yêu cầu nào, nhất là không nhấp chuột vào bất kỳ đường dẫn nào, nếu không sẽ có khả năng lộ thông tin cá nhân và bị hack tài khoản chiếm đoạt tiền.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!