Người dân được ghi hình cảnh sát giao thông thế nào cho đúng luật?

Xuân Sơn, Thanh Long-Thứ hai, ngày 04/03/2024 06:34 GMT+7

VTV.vn - Theo quy định của pháp luật, người dân có quyền giám sát hoạt động thực thi công vụ của CSGT thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình.

Mục đích là để dân chủ trong đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giúp cho ngành chức năng kịp thời phát hiện và xử lý những sai phạm đối với các cán bộ, chiến sĩ có hành vi lệch chuẩn, tiêu cực. Tuy nhiên, thời gian qua đã có không ít đối tượng lợi dụng quyền này, khi bị xử lý vi phạm giao thông lại có hành vi chống đối lực lượng chức năng, quay clip rồi phát tán lên mạng xã hội gây mất an ninh trật tự.

Phạm pháp do lạm quyền giám sát

Điều khiển xe ô tô trên đường Lê Hồng Phong, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng, trường hợp này đã được tổ công tác yêu cầu dừng xe để kiểm tra nồng độ cồn. Thế nhưng thay vì nghiêm chỉnh chấp hành, người này đã lớn tiếng hạch sách và quay clip phát tán lên mạng xã hội.

Phạm Trung Dũng biệt danh Dũng Shalom (đối tượng trong clip) đã bị khởi tố, bắt tạm giam về tội chống người thi hành công vụ.

Cơ quan công an cảnh báo, người dân được quyền sử dụng các thiết bị ghi âm, ghi hình để giám sát hoạt động thực thi công vụ của lực lượng CSGT. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là có thể lạm dụng quyền này để quay phim chụp ảnh, cản trở hoạt động nghiệp vụ của lực lượng chức năng và gây mất an ninh trật tự.

Cách đây ít lâu, cơ quan công an cũng đã bắt giữ Lê Chí Thành ở quận 12 TP Hồ Chí Minh để điều tra về hành vi chống người thi hành công vụ. Trước đó đối tượng này đã nhiều lần tạo cớ khiêu khích, xuyên tạc, phát tán các thông tin sai sự thật về hoạt động công vụ lên mạng xã hội nhằm mục đích thu hút người theo dõi để trục lợi cá nhân.

Vậy hành vi lợi dụng quyền giám sát, gây cản trở lực lượng chức năng thi hành công vụ sẽ bị xử lý như thế nào? Và người dân cần lưu ý những gì để thực hiện quyền giám sát sao cho đúng với qui định của pháp luật? 

Biện pháp ngăn chặn lạm quyền giám sát

Dưới góc độ pháp lý, Thông tư 67/2019 của Bộ Công an đã quy định rõ, người dân khi thực hiện quyền giám sát phải đảm bảo không được xâm phạm đến quyền lợi ích hợp pháp của nhà nước cũng như của các tổ chức cá nhân khác. Nghị định 144/2021 của Chính phủ cũng quy định, trường hợp vi phạm có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt cao nhất là 8 triệu đồng. Nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng thì cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Khi thực hiện quyền giám sát người dân cần có thái độ hòa nhã, thực hiện đúng quy định hướng dẫn, đứng ở vị trí bên ngoài khu vực đảm bảo TTATGT được giới hạn bằng cọc tiêu hình chóp nón hoặc dây căng để không gây cản trở hoạt động tác nghiệp của lực lượng chức năng.

Cơ quan công an cho biết, quá trình thực hiện quyền giám sát, người dân có thể gửi thông tin phản ánh bằng nhiều hình thức như đơn thư, video clip qua cổng thông tin điện tử hoặc trực tiếp gọi điện đến số điện thoại đường dây nóng của cơ quan công an.

Tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân, cơ quan công an sẽ tiến hành phân loại, thẩm định, xác minh thông tin đó, chuyển những thông tin đó đến các đơn vị nghiệp vụ hoặc công an các địa phương để tiến hành giải quyết. Sau khi các nội dung đó được cơ quan công an xử lý thì sẽ chuyển tải và thông tin lại đến người dân đảm bảo khách quan kịp thời và chính xác nhất.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước