Thái Nguyên: Tuyên phạt Chủ tịch xã giết hổ nấu cao tại nhà 36 tháng tù

P.V-Thứ tư, ngày 01/03/2023 19:19 GMT+7

Hiện trường vụ án khi bị phát hiện.

VTV.vn - Sáng 1/3, Tòa án nhân dân thành phố Phổ Yên (tỉnh Thái Nguyên) mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án giết hổ nấu cao tại nhà diễn ra trên địa bàn thành phố Phổ Yên.

Đối tượng Ngô Văn Quân (sinh năm 1971, trú tại xã Tiên Phong, TP. Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) đã bị tuyên phạt 36 tháng tù giam về tội "Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm" theo điểm a khoản 2 Điều 244 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017 - BLHS).

Cùng với đó, hai đồng phạm khác đã tham gia hỗ trợ Ngô Văn Quân xẻ thịt hổ nấu cao là Nguyễn Văn Nam (sinh năm 1995, trú tại huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) nhận mức án 15 tháng tù treo (thử thách 30 tháng), và Nguyễn Văn Thắng (sinh năm 1980, trú tại TP. Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) nhận mức án 12 tháng tù treo (thử thách 24 tháng), về tội "Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm" theo điểm b khoản 1 Điều 244 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017 - BLHS).

Trước đó vào tháng 01/2022, Công an tỉnh Thái Nguyên phối hợp cùng Công an thị xã Phổ Yên bắt quả tang tại hộ gia đình ông Ngô Văn Quân đang có hoạt động giết mổ 1 cá thể hổ để nấu cao. Tại hiện trường, cơ quan chức năng phát hiện nhiều tang vật liên quan gồm 1 cá thể hổ đông lạnh, 1 xương đầu hổ, 2 bộ da hổ, 4 chi hổ, 16 túi thịt hổ, 1 đầu sơn dương đông lạnh. Tiến hành khám xét nơi ở của ông Ngô Văn Quân tiếp tục phát hiện 1.578 gói cao thành phẩm, 21 lọ thủy tinh đựng mật gấu.

Thái Nguyên: Tuyên phạt Chủ tịch xã giết hổ nấu cao tại nhà 36 tháng tù - Ảnh 1.

Tang vật tịch thu trong vụ án.

Ông Quân bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Khoản 2 Điều 244 BLHS với khung hình phạt từ 5-10 năm tù.

Đặc biệt, tại thời điểm phát hiện, vụ án đã thu hút sự quan tâm lớn của dư luận bởi đối tượng thực hiện hành vi phạm tội đang đảm nhiệm cương vị là Chủ tịch UBND xã Tiên Phong. Ông Ngô Văn Quân từng là Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tiên Phong nhiệm kỳ 2016-2021 và đã được bầu tái cử giữ chức danh Chủ tịch UBND xã nhiệm kỳ 2021-2026.

Hổ (Tên khoa học: Panthera tigris) là loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được bảo vệ ở cấp độ cao nhất theo quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế. Theo đó, pháp luật đã quy định những chế tài mạnh mẽ để xử lý mọi hành vi vi phạm liên quan đến hổ với mức hình phạt có thể lên tới 15 năm tù cho cá nhân vi phạm. Tuy vậy, tình trạng buôn bán hổ trái phép vẫn là một vấn nạn nhức nhối do nhu cầu tiêu thụ và sử dụng các sản phẩm từ loài này, đặc biệt là cao hổ của một bộ phận người dân. Từ xưa đến nay, dù không có căn cứ khoa học nhưng nhiều người vẫn còn quan niệm rằng sử dụng cao hổ có thể chữa được các bệnh về xương khớp hay tăng cường sinh lực, từ đó thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ và đẩy hổ đến gần hơn với nguy cơ tuyệt chủng.

Chỉ trong năm 2022, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) đã ghi nhận 399 vụ việc vi phạm liên quan đến hổ, với hơn 88% số vụ án được phát hiện trên không gian mạng (353/399 vụ). Theo ENV, bên cạnh việc xử lý nghiêm khắc các đối tượng có hành vi xâm hại tới hổ, các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, khuyến cáo người dân không mua bán hay sử dụng cao hổ và các sản phẩm từ hổ để góp phần bảo vệ hổ và tránh các hậu quả pháp lý đáng tiếc.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước