Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu đời sống xã hội tại TP Hồ Chí Minh, trên 60% người lao động không có tiền tiết kiệm. Do vậy, khi khó khăn đột xuất xảy ra như bệnh tật, sinh con, mất việc..., họ thường phải vay nợ lãi suất cao để trang trải.
Lãi suất cao lên đến vài chục %/tháng, nhưng thu nhập lại thấp, thậm chí là bị giãn việc, giảm việc, nhiều công nhân vay tín dụng đen thường gặp phải tình trạng tiền lãi cộng gốc ngày càng tăng cao, mất khả năng chi trả. Lúc đó, họ sẽ bị đòi nợ bằng nhiều hình thức khủng bố tinh thần, danh dự, phải bỏ trốn hoặc về quê. Doanh nghiệp có người lao động vay nợ bị các đối tượng quấy phá, đe dọa.
Cuối năm là thời điểm tội phạm tín dụng đen tăng cường hoạt động.
Không chỉ ở TP Hồ Chí Minh, những địa phương có đông công nhân khác như Bình Dương, Đồng Nai..., tình trạng công nhân bị vướng phải tín dụng đen cũng phổ biến, gây ra tình trạng mất an ninh trật tự.
Triệt xóa tội phạm tín dụng đen
Mới đây, ở Bình Dương, nơi có nhiều khu công nghiệp với số lượng lao đông nhập cư đông, cơ quan công an đã triển khai mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan hoạt động trái phép này.
Hai đối tượng thường trú tại thành phố Tân Uyên, Bình Dương, vừa bị Công an tỉnh Bình Dương bắt tạm giam với hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Qua xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ, cơ quan điều tra xác định 2 đối tượng đã cho nhiều người vay tiền với lãi suất từ 282% đến 475%/năm, qua đó thu lợi bất chính trên 100 triệu đồng.
Còn đối tượng sinh năm 1999, thường trú tỉnh Gia Lai, bị Cơ quan Cảnh sát điều tra bắt tạm giam khi cho một người phụ nữ vay số tiền 50 triệu đồng với lãi suất 200%/năm và buộc người này phải quay lại video khỏa thân gửi. Đến khi bị hại không còn khả năng chi trả tiền gốc và lãi, đối tượng sử dụng đoạn clip trên để đe dọa buộc bị hại trả tiền.
Trong 9 tháng năm 2023, Công an tỉnh Bình Dương đã phát hiện, xử lý 6 vụ, khởi tố 12 đối tượng có liên quan tín dụng đe". Trong đó phải kể đến nhóm đối tượng do đối tượng Trần Duy Tân (sinh năm 1984) cầm đầu.
Với thủ đoạn tinh vi, đối tượng Trần Duy Tân cùng đồng bọn cho nhiều người trên địa bàn thành phố Thủ Dầu Một vay với lãi suất trung bình từ 1% - 1,5%/ngày (tương đương 360% - 547%/năm) và thu lợi bất chính số tiền trên 2 tỷ đồng từ việc cho vay lãi nặng.
Cũng theo Công an tỉnh Bình Dương, tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen là nguồn phát sinh các loại tội phạm khác như: giết người, cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật, làm nhục người khác…
Đối tượng sinh năm 1999, thường trú tỉnh Gia Lai, bị Cơ quan Cảnh sát điều tra bắt tạm giam khi cho một người phụ nữ vay số tiền 50 triệu đồng với lãi suất 200%/năm và buộc người này phải quay lại video khỏa thân gửi.
"Khi người dân không đảm bảo việc đóng lãi, các đối tượng sẽ thu thập các thông tin, cắt dán hình ảnh để bôi nhọ, đe dọa, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự người dân để người dân phải đóng lãi", Đại úy Trần Văn Thông, Phó Trưởng phòng cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bình Dương, cho biết.
Cuối năm cũng là thời điểm tội phạm tín dụng đen sẽ tăng cường hoạt động nên Công an tỉnh Bình Dương chủ động xây dựng nhiều kế hoạch, mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm. Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng cần gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động tín dụng để người dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn, không để hoạt động tín dụng đen diễn biến phức tạp.
Nhiều gói tín dụng khẩn cấp cho công nhân
Thu nhập bấp bênh, không có tài sản thế chấp để vay ngân hàng, người thân lại không có điều kiện giúp đỡ... là những lý do khiến công nhân, người lao động dễ vướng vào tín dụng đen. Để kịp thời giúp công nhân, người lao động thoát bẫy tín dụng đen trong giai đoạn cao điểm cuối năm, nhiều gói tín dụng khẩn cấp với lãi suất ưu đãi liên tục được khởi động và triển khai.
Từ cuối tháng 9 đến nay, người lao động được tiếp cận với gói tín dụng khẩn cấp 300 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi 0,4%/tháng. Đây là gói vay do Tổ chức Tài chính vi mô CEP - Tổ chức cung cấp các khoản vay nhỏ cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp vừa triển khai trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
"Gói tín dụng này nhằm hỗ trợ công nhân, lao động nghèo vượt qua khó khăn hiện nay và đồng hành cùng với họ. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, tác động của hậu COVID-19 vẫn còn, cộng với chương trình Phòng, chống tín dụng đen do Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh phát động nên chúng tôi kết hợp thực hiện chương trình này", ông Hoàng Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổ chức Tài chính vi mô CEP, cho hay.
"Ưu tiên cho những công nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, giảm giờ làm, giảm thu nhập và đặc biệt là những trường hợp phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ", bà Vũ Thế Vân, Chủ tịch Công đoàn các khu chế xuất và công nghiệp TP Hồ Chí Minh, thông tin.
Ngoài gói tín dụng với lãi suất ưu đãi này, để chia sẻ kịp thời với công nhân, người lao động trong giai đoạn cuối năm nay, từ tháng 9, những gói tín dụng khác của CEP đồng loạt giảm lãi suất cho vay 0,05%/tháng.
Với mong muốn đồng hành ngày càng nhiều cùng công nhân, giúp họ vượt qua khó khăn về kinh tế, từ đó góp phần phòng chống tín dụng đen, CEP đặt mục tiêu từ nay đến cuối năm sẽ tiếp cận và cho vay ưu đãi với thêm 2.500 công nhân, người lao động.
Nhiều thủ đoạn của tội phạm tín dụng đen
Tổ chức tài chính vi mô CEP do Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh lập năm 1991. Hơn 30 năm qua, tổ chức này cho 5,1 triệu lượt công nhân nghèo vay vốn lãi suất thấp để làm ăn, cải thiện thu nhập, giảm tệ nạn xã hội, nhất là tín dụng đen trong công nhân. Tổng số tiền tổ chức này dự kiến cho hơn 1,4 triệu lượt công nhân ở 9 tỉnh, thành phía Nam vay là 50.000 tỷ đồng.
Bên cạnh việc tìm đến các nhà cung cấp tài chính với lãi suất thấp, công nhân, người lao động cần cảnh giác với các thủ đoạn cho vay lãi nặng.
Khai báo với Công an tỉnh Quảng Nam, đôi vợ chồng ở huyện Duy Xuyên cho biết cả 2i sử dụng tài khoản Facebook, Zalo để đăng quảng cáo với nội dung cầm cố tài sản giá trị cao, nhưng thực chất là cho vay nhiều người vay nặng lãi với hơn 3 tỷ đồng.
"Khi người vay tải ứng dụng cho vay, đăng ký bằng CMND hoặc CCCD, tài khoản ngân hàng, số điện thoại chính chủ và đồng ý với điều khoản, điều kiện vay thì tất cả các thông tin đều được đồng bộ cơ sở dữ liệu cho các đối tượng, nhằm phục vụ cho hoạt động thu hồi nợ sau này", Thượng tá Phạm Văn Sơn, Trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, Công an tỉnh Quảng Nam, cho biết.
Cuối tháng 7 vừa qua, hơn 50 đối tượng người nước ngoài và Việt Nam trong đường dây hoạt động cho vay lãi nặng lớn nhất từ trước đến nay bị cơ quan công an triệt phá. Với hơn 1 triệu người vay thông qua ứng dụng trên điện thoại di động, lãi suất tới 2.300%/năm, số tiền cho vay là hơn 20.000 tỷ đồng, thu lợi bất chính trên 8.000 tỷ đồng, tổ chức rửa tiền và chuyển tiền trái phép ra khỏi Việt Nam hơn 5.000 tỷ đồng.
Để che giấu hành vi cho vay lãi nặng, thu lợi bất chính với số tiền đặc biệt lớn, các đối tượng hoạt động có tổ chức với thủ đoạn tinh vi, phức tạp và cấu kết chặt chẽ, thành lập hàng chục công ty, sử dụng hàng nghìn tài khoản ngân hàng để luân chuyển dòng tiền bất chính.
Tội phạm tín dụng đen tổ chức dưới 3 hình thức: theo kiểu thỏa thuận giữa 2 bên với lãi suất rất cao; thứ hai, núp bóng vỏ bọc cơ sở kinh doanh, vừa thỏa thuận trực tiếp, vừa sử dụng mạng xã hội để dẫn dụ người vay; thứ ba, tinh vi nhất là sử dụng công nghệ cao để tổ chức cho vay, sau đó thông qua hoạt động của các tổ chức tội phạm để ép buộc. Với hình thức này, đối tượng hoạt động giấu mặt, rất khó điều tra, nhất là đối tượng người nước ngoài.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!