Tình tiết mới vụ Công ty Alibaba: Phát hiện 7,3kg thỏi màu vàng nhưng... không phải vàng

H.T-Thứ sáu, ngày 26/02/2021 15:41 GMT+7

Công an thu giữ nhiều tài liệu và 20 thỏi kim loại màu vàng (Ảnh: NLĐ)

VTV.vn - Cơ quan điều tra đã tạm giữ nhiều tài sản của Công ty Alibaba và các bị can, trong đó có 45,4 tỷ đồng, 23 xe ô tô, 20 thỏi kim loại màu vàng có trọng lượng hơn 7,3kg.

Liên quan đến vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản tại Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba, Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã trả hồ sơ, đề nghị Cơ quan điều tra (Công an thành phố) điều tra bổ sung đối với một số tình tiết liên quan đến giám định tài sản.

Cụ thể, trong vụ án này, Cơ quan điều tra đã tạm giữ nhiều tài sản của Công ty Alibaba và các bị can. Trong số này có hơn 9,2 tỷ đồng; tạm giữ tiền trong tài khoản của 49 cá nhân là nhân viên và pháp nhân thuộc công ty, tổng cộng là 45,4 tỷ đồng (chưa tính lãi phát sinh đến nay); 23 xe ô tô, xe máy do các đối tượng sử dụng; 57 miếng vàng có chữ Địa ốc Alibaba; 20 thỏi kim loại màu vàng có trọng lượng hơn 7,3kg (kết quả giám định cho thấy số hợp kim trên không phải là vàng). Đáng chú ý, Cơ quan điều tra đã kê biên 650 thửa đất, tổng giá trị theo kết quả định giá nhà và đất là hơn 1.478 tỷ đồng.

Trước đó, vào ngày 16/12/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an Thành phố Hồ Chí Minh) đã ban hành Kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp, đề nghị truy tố 23 bị can trong vụ án Công ty Alibaba lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cơ quan Cảnh sát điều tra xác định, Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Alibaba, là chủ mưu vụ án, là người thành lập và điều hành phương thức lừa đảo.

Luyện lập ra Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba và 22 pháp nhân khác, vẽ ra 58 dự án bất động sản không có thật tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu và Bình Thuận, tự phân lô, tách thửa đất trái pháp luật để bán cho 3.924 bị hại để chiếm đoạt hơn 2.373 tỷ đồng. Thủ đoạn để thu hút khách hàng của Luyện và đồng phạm là hứa hẹn mua lại đất đã bán với giá cao hơn 30% sau 12 tháng hoặc 38% sau 15 tháng; hoặc thuê lại với giá bằng 2%/tháng kể từ ngày ký hợp đồng và khách hàng đã thanh toán 95% giá trị thửa đất.

Cơ quan Cảnh sát điều tra đã đề nghị truy tố Luyện và 19 đồng phạm về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngoài tội danh trên, 2 bị can Võ Thị Thanh Mai (vợ của Luyện), Giám đốc Công ty Cổ phần Alibaba Law Firm, cùng Nguyễn Thái Lực (em ruột Luyện), Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư và thương mại Địa ốc Xanh, còn bị đề nghị truy tố thêm tội "Rửa tiền". Đối tượng Huỳnh Thị Kim Thắng, Kế toán trưởng Công ty Alibaba, cũng bị đề nghị truy tố về tội "Rửa tiền".

Quy trình 5 bước tinh vi

"Chìa khóa" để Công ty địa ốc Alibaba lừa được hàng nghìn tỷ khiến gần 4.000 người sập bẫy là ở một quy trình lừa đảo hết sức tinh vi do Nguyễn Thái Luyện chỉ đạo.

Nguyễn Thái Luyện lập ra công ty địa ốc Alibaba và hàng loạt công ty con, lập các dự án "ma" bán đất nền cho khách hàng, hứa hẹn mua lại đất đã bán với giá cao hơn 30% sau 12 tháng hoặc 38% sau 15 tháng; hoặc thuê lại với giá bằng 2%/tháng kể từ ngày ký hợp đồng và khách hàng đã thanh toán 95% giá trị.

Bước thứ nhất, Luyện dùng tiền chiếm đoạt của khách hàng và một ít vốn riêng, mua các khu đất nông nghiệp ở các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận, chỉ đạo người thân, nhân viên thân tín đứng tên nhận chuyển nhượng.

Bước thứ hai, Luyện lập ra 22 công ty con, chỉ đạo các cá nhân đứng tên chuyển nhượng đất ở bước 1 ký hợp đồng ủy quyền cho các công ty con này, để vẽ ra các dự án đất nền bất hợp pháp trên đất nông nghiệp rồi phân lô tách thửa trái quy định.

Tình tiết mới vụ Công ty Alibaba: Phát hiện 7,3kg thỏi màu vàng nhưng... không phải vàng - Ảnh 1.

Bước thứ ba, các cá nhân và công ty con này đã tự nhận là chủ đầu tư của các dự án. Dùng truyền thông chủ yếu trên website công ty Alibaba và các trang mạng xã hội, để rao bán đất nền.

Bước thứ tư, Luyện lại chỉ đạo các công ty con với tư cách "chủ đầu tư" này ký hợp đồng hợp tác với công ty mẹ là Công ty cổ phần địa ốc Alibaba. Ủy quyền cho công ty Alibaba là đại lý bán hàng. Việc hợp tác lòng vòng này nhằm che dấu nguồn gốc bất hợp pháp của các dự án. Đồng thời tạo ra các giao dịch ảo, khiến khách hàng tin rằng đây là các khu đất có đủ pháp lý và được phép mua bán theo quy định nhà nước.

Bước cuối cùng, sau khi khách hàng "sập bẫy", Luyện chỉ đạo các công ty con ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho khách hàng, tiền thu được chuyển về Công ty Alibaba để Luyện quản lý, sử dụng.

Tình tiết mới vụ Công ty Alibaba: Phát hiện 7,3kg thỏi màu vàng nhưng... không phải vàng - Ảnh 2.

Các dự án ma của Alibaba.

Tuy nhiên, khi đóng đủ số tiền, khách hàng không nhận được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thổ cư như cam kết mà sẽ được Công ty Alibaba chuyển sang hình thức trả lãi hoặc thu mua trở lại theo các Hợp đồng quyền chọn hoặc Phụ lục hợp đồng kèm theo.

Nhiều khách hàng mua dự án A, nhưng đến hạn yêu cầu Alibaba mua lại miếng đất với lãi suất cam kết thì lại được các nhân viên công ty này tư vấn "trả lãi" bằng miếng đất ở dự án B khiến khách hàng không thu hồi được tiền đã bỏ ra.

Trong quá trình cơ quan công an bắt giữ các bị can và khám xét trụ sở Công ty Alibaba đã thu giữ 9,2 tỷ đồng. Phong tỏa 45,5 tỷ đồng trong tài khoản, kê biên tổng cộng 650 thửa đất với diện tích hơn 447 ha. Qua định giá cơ quan chức năng xác định giá trị gần 1.479 tỷ đồng và nhiều ô tô, tài sản khác của công ty Cổ phần địa ốc Alibaba để đảm bảo thi hành án, khắc phục hậu quả.

'Quy trình' lừa đảo 5 bước của Công ty địa ốc Alibaba "Quy trình" lừa đảo 5 bước của Công ty địa ốc Alibaba

VTV.vn - "Chìa khóa" để Công ty địa ốc Alibaba khiến gần 4.000 người sập bẫy là ở một quy trình lừa đảo hết sức tinh vi do Nguyễn Thái Luyện chỉ đạo.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước