Một số loại tội phạm nghiêm trọng đang gia tăng
Ngày 26/10, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đã trình bày Thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án; các báo cáo công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao năm 2020.
Theo đó, Ủy ban Tư pháp cơ bản đồng tình với những nhận định, đánh giá của Chính phủ về công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm; đồng thời nhấn mạnh một số nội dung sau: Mặc dù tình hình chung vi phạm pháp luật và tội phạm về trật tự xã hội giảm nhưng một số loại tội phạm nghiêm trọng lại gia tăng, như: hiếp dâm tăng 13,51% (trong đó hiếp dâm trẻ em tăng 30,38%); gây rối trật tự công cộng tăng 53,51%; chống lại lực lượng Công an đang thi hành nhiệm vụ tăng 260%.
Về công tác phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm, UBTP cơ bản tán thành đánh giá của Chính phủ và nhận thấy, năm 2020, công tác phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đạt nhiều chỉ tiêu yêu cầu của Quốc hội.
Tuy nhiên, kết quả phát hiện vi phạm pháp luật và tội phạm trên một số lĩnh vực vẫn chưa tương xứng với tình hình trên thực tế, nhất là vi phạm pháp luật và tội phạm về lĩnh vực tài nguyên môi trường, hàng giả, buôn lậu, gian lận thương mại; tội phạm, vi phạm pháp luật về chức vụ, tham nhũng.
Về công tác điều tra xử lý tội phạm, năm 2020, công tác điều tra, xử lý tội phạm tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng công tác điều tra đã được nâng lên rõ rệt, một số chỉ tiêu vượt yêu cầu của Quốc hội như: tỷ lệ khám phá tội phạm xâm phạm trật tự xã hội vượt hơn 10%, án đặc biệt nghiêm trọng vượt hơn 6%.
Tuy nhiên, tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố chưa đạt yêu cầu của Quốc hội. Việc áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam còn nhiều vi phạm. Còn 18 trường hợp Cơ quan điều tra phải đình chỉ bị can do không có sự việc phạm tội, hành vi không cấu thành tội phạm hoặc hết thời hạn điều tra không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm.
60 trường hợp bị oan liên quan đến trách nhiệm của Viện kiểm sát
Thẩm tra Báo cáo của Viện trưởng VKSNDTC về công tác của ngành Kiểm sát, về công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự, bà Lê Thị Nga cho biết, năm qua, công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự của VKSND các cấp tiếp tục được tăng cường và đạt nhiều kết quả tích cực.
Trong công tác kiểm sát điều tra, VKSND các cấp đã kịp thời phát hiện, yêu cầu hủy bỏ 164 quyết định trái pháp luật của Cơ quan điều tra và ban hành 1.315 kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm; số kiến nghị được chấp nhận, thực hiện đạt tỷ lệ 99,5%, vượt 19,5% so với chỉ tiêu yêu cầu của Quốc hội. VKSNDTC đã chỉ đạo toàn ngành thực hiện nghiêm túc nhiều kiến nghị của UBTP được nêu trong báo cáo thẩm tra các năm trước.
Trong công tác kiểm sát xét xử, số bị can bị Viện kiểm sát truy tố mà Tòa án cấp sơ thẩm tuyên không phạm tội giảm so với cùng kỳ năm 2019. Tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm được Tòa án chấp nhận đều vượt chỉ tiêu yêu cầu của Quốc hội. Công tác giải quyết án tham nhũng, kinh tế được chỉ đạo quyết liệt, tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế tăng 5,2%.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội chỉ ra rằng, vẫn còn 60 trường hợp bị oan liên quan đến trách nhiệm của Viện kiểm sát; 03 trường hợp Viện kiểm sát truy tố oan dẫn đến Tòa án cấp sơ thẩm tuyên không phạm tội; 95 trường hợp truy tố thiếu căn cứ, sai tội danh, sai khung hình phạt.
Bên cạnh đó, liên quan đến báo cáo của Chánh án TANDTC về công tác của ngành Tòa án, UBTP cơ bản tán thành với đánh giá của TANDTC về những kết quả đạt được và nhận thấy, năm 2020, công tác giải quyết, xét xử các loại án đạt nhiều kết quả tích cực, nhiều chỉ tiêu công tác tăng so với năm 2019.
Tuy nhiên, các TAND vẫn còn nhiều vi phạm dẫn tới VKSND phải ban hành 657 kiến nghị yêu cầu khắc phục trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự; 1.628 kiến nghị trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự, hành chính; 81 kiến nghị trong quá trình giải quyết án hành chính.
Đáng lưu ý, một số trường hợp sau khi tuyên án, đương sự phản ứng bức xúc với kết quả xét xử và dư luận xã hội chưa đồng tình. Tỷ lệ bản án, quyết định hành chính bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan chưa đạt chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội.
Về công tác thi hành án hình sự, UBTP ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong công tác thi hành án hình sự, nhất là trong điều kiện dịch bệnh và số người bị kết án phạt tù, số người chấp hành án tại các cơ sở giam giữ cũng như số người bị kết án tử hình tăng mạnh. Các trại giam không để xảy ra tình trạng phạm nhân tập trung gây rối, chống đối tập thể; tỷ lệ phạm nhân được xếp loại cải tạo khá tăng lên. Việc tổ chức thi hành án tử hình và giải quyết cho thân nhân người bị thi hành án nhận tử thi, tro cốt về cơ bản bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng cho biết, còn xảy ra 23 trường hợp phạm nhân bỏ trốn khỏi cơ sở giam giữ, trong số đó có vụ phạm nhân trốn khỏi trại giam của Bộ Quốc phòng phạm tội mới, gây hoang mang trong dư luận nhân dân; ngoài ra, số phạm nhân chết do tự sát tăng so với cùng kỳ năm 2019, nhất là 03 trường hợp người bị kết án tử hình và bị can bị bắt về hành vi phạm tội về ma túy tự sát tại trại tạm giam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!