Liên quan đến vụ tai nạn trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã được Thời Báo VTV đăng tải thông tin, vào khoảng 9 giờ sáng ngày 11/7 đã xảy ra tai nạn liên hoàn giữa 3 xe ô tô tại làn 1 và làn 2, Km49+500 hướng Hà Nội – Hải Phòng, thuộc địa phận thị trấn Gia Lộc, huyện Gia Lộc, thành phố Hải Dương.
Hậu quả, tai nạn khiến 2 người thiệt mạng và nhiều người bị thương được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương.
Hiện trường vụ tai nạn trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng ngày 11/7.
Trao đổi với phóng viên Thời báo VTV về vụ việc này, Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng văn phòng luật sư Trung Hoà, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho biết, cần xác định hành vi của 3 tài xế (xe bán tải, xe 16 chỗ và xe 7 chỗ) để xác định trách nhiệm pháp lý của từng người. Hiện tại vụ tai nạn vẫn đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ nguyên nhân, sau khi có kết luận điều tra, căn cứ vào mức độ lỗi của từng người cơ quan điều tra sẽ xác định trách nhiệm pháp lý tương xứng.
Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng văn phòng luật sư Trung Hoà, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội.
Luật sư Hoàng Tùng dẫn chứng, theo Khoản 12 điều 3 Luật Giao thông đường bộ quy định: "Đường cao tốc là đường dành cho xe cơ giới, có dải phân cách chia đường cho xe chạy hai chiều riêng biệt; không giao nhau cùng mức với một hoặc các đường khác; được bố trí đầy đủ trang thiết bị phục vụ, bảo đảm giao thông liên tục, an toàn, rút ngắn thời gian hành trình và chỉ cho xe ra, vào ở những điểm nhất định".
Tại khoản 3 Điều 26 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về giao thông trên đường cao tốc: "3. Chỉ được dừng xe, đỗ xe ở nơi quy định; trường hợp buộc phải dừng xe, đỗ xe không đúng nơi quy định thì người lái xe phải đưa xe ra khỏi phần đường xe chạy, nếu không thể được thì phải báo hiệu để người lái xe khác biết".
Vì vậy cần xác định hành vi của 3 tài xế (xe bán tải, xe 16 chỗ và xe 7 chỗ). Việc va chạm giữa xe bán tải và xe 16 chỗ trước đó có khiến 2 xe này không thể di chuyển hay không? Nếu xe không thể tiếp tục di chuyển, buộc phải dừng đỗ thì việc dừng xe có đặt biển cảnh báo nguy hiểm hay không?
Nếu có căn cứ xác định sau khi va chạm, xe bản tải và xe 16 chỗ vẫn còn khả năng di chuyển mà 2 tài xế không di chuyển mà lại dừng xe trên đường cao tốc hoặc xe không thể di chuyển mà khi dừng xe không có cảnh báo dẫn đến tai nạn giao thông thì 2 người điều khiển phương tiện này dừng, đỗ xe vi phạm sẽ bị phạt hành chính, thậm chí có thể bị xử lý hình sự theo Điều 260 Bộ luật hình sự về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, với mức phạt tù thấp nhất là 1 năm, cao nhất là 15 năm tù, đồng thời chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho nạn nhân.
Trường hợp lái xe điều khiển ô tô 7 chỗ đâm vào phía sau xe 16 chỗ và xe tải đang dừng là do lỗi người điều khiển xe vi phạm về tốc độ, khoảng cách, thiếu quan sát gây ra thì cá nhân đó phải chịu trách nhiệm theo quy định đồng thời thực hiện bồi thường thiệt hại cho nạn nhân. Bởi theo quy định pháp luật thì người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ phải làm chủ tốc độ, chú ý quan sát và giữ khoảng cách với xe phía trước. Nếu phát hiện chướng ngại vật thì phải giảm tốc độ đến mức thấp nhất, có thể dừng lại hoặc đánh lái để tránh va chạm. Các xe dừng, đỗ, gặp sự cố trên đường cao tốc được xác định là "chướng ngại vật".
Trường hợp lỗi xuất phát từ nhiều bên (lỗi hỗn hợp) thì những cá nhân liên quan sẽ phải chịu trách nhiệm tương ứng với phần lỗi của mình.
Ngoài 2 người đã tử vong, những người khác còn sống sau khi có kết luận điều tra xác định mức độ lỗi (dừng đỗ xe sai quy định, thiếu chú ý quan sát, không làm chủ tốc độ, cản trở giao thông…) sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 260 BLHS.
Tại Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: "người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp do sự kiện bất khả kháng; hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại hoặc có thỏa thuận khác..."
Bộ luật Dân sự 2015 quy định người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại phải bồi thường thiệt hại về tài sản, sức khỏe, tính mạng bị xâm phạm; khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại. Nếu không có những người này thì người nhà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá 100 lần mức lương cơ sở.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!