Triệt phá nhiều đường dây chiếm đoạt, mua bán dữ liệu cá nhân

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 21/05/2021 19:06 GMT+7

VTV.vn - Nhiều đường dây chiếm đoạt mua bán dữ liệu cá nhân quy mô lớn đã bị lực lượng công an phát hiện và triệt phá trong thời gian qua.

Thỉnh thoảng bạn nhận được những cuộc gọi quảng cáo bất động sản, cho vay tiêu dùng, hay trái phiếu, hoặc hòm mail bỗng dưng có nhiều mail quảng cáo mà bạn chưa hề chia sẻ mail cho người lạ thì có nghĩa những thông tin cá nhân của bạn đã được rao bán. Thông tin cá nhân của công dân giờ đã trở thành một món hàng béo bở của những hacker, với nhiều vụ việc bị phát hiện thời gian qua.

Mới đây nhất, gần 10.000 chứng minh nhân dân (CMND), căn cước công dân (CCCD), ảnh cá nhân đã bị rao bán với giá khoảng 9.000 USD. Các chuyên gia dự đoán, nhiều khả năng, thông tin lộ ra từ một số công ty dịch vụ về tài chính, ngân hàng, công ty chứng khoán, các ứng dụng cho vay tiêu dùng.

Triệt phá nhiều đường dây chiếm đoạt, mua bán dữ liệu cá nhân - Ảnh 1.

Hacker rao bán công khai dữ liệu cá nhân của người Việt

Trong một vụ việc khác, các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an vừa triệt phá đường dây mua bán trái phép gần 1.300 GB dữ liệu, chứa hàng tỷ thông tin về các cá nhân, tổ chức trên toàn quốc, gồm phụ huynh, học sinh, người gửi tiền tại ngân hàng. Nhiều đối tượng tham gia vào các đường dây chiếm đoạt, mua bán dữ liệu cá nhân đã bị bắt giữ. Tuy nhiên, theo nhận định của Cơ quan công an, những bằng chứng thu thập được mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Hoạt động chiếm đoạt, mua bán trái phép thông tin dữ liệu cá nhân đang diễn ra rất sôi động và phức tạp trên không gian mạng.

Đầu tháng 5 vừa qua, lực lượng chức năng đã tổ chức bắt và khám xét khẩn cấp nơi ở của 1 cặp vợ chồng là Dư Anh Quý và Lại Thị Phương ở xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội, được cho là những đối tượng đã mua bán trái phép dữ liệu cá nhân.

Trước đó, vào đầu năm nay, cơ quan công an tại nhiều tỉnh thành cũng đã đồng loạt khám xét 7 địa điểm, áp dụng biện pháp tố tụng với 15 đối tượng liên quan tới 6 đường dây chiếm đoạt mua bán dữ liệu cá nhân quy mô lớn. Một trong số các đối tượng này đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình.

Cơ quan công an bước đầu phát hiện, các đối tượng đã thu thập, chiếm đoạt, mua bán trái phép gần 1.300 GB dữ liệu, chứa hàng tỷ thông tin về các cá nhân, tổ chức tại nhiều lĩnh vực, ngành nghề trên địa bàn toàn quốc. Số tiền các đối tượng hưởng lợi từ hoạt động phi pháp này lên tới hàng tỷ đồng.

Để phá được chuyên án này, cơ quan công an gặp rất nhiều khó khăn vì phải thu thập được đầy đủ bằng chứng về hoạt động mua bán dữ liệu cá nhân trái phép trên không gian mạng. Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân bị đánh cắp, rao bán thông tin trái phép lại thường không biết dẫn tới không chủ động trình báo với các cơ quan chức năng.

Cơ quan công an nhận định, nếu không được phát hiện và ngăn chặn kịp thời, những thông tin bị đánh cắp, rao bán trái phép này có thể bị kẻ xấu lợi dụng, gây ra những hậu quá khó lường cho các tổ chức, cá nhân, thậm chí là ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Vụ việc đang tiếp tục được điều tra mở rộng, để truy bắt thêm những đối tượng có liên quan.

Ngoài thông tin CCCD, CMND còn rất nhiều thông tin khác hiện đã hoặc có nguy cơ bị rò rỉ. Ví dụ, thông tin số điện thoại, thông tin đăng nhập tài khoản Facebook, Gmail, tài khoản ngân hàng. Tình trạng thu thập, mua bán sử dụng trái phép thông tin cá nhân đã diễn ra công khai từ lâu và rất nhộn nhịp trên không gian mạng bất chấp các quy định của Pháp luật. Theo nhận định của cơ quan công an: Có cầu mới có cung. Nguyên nhân chính là do nhiều cá nhân, doanh nghiệp có nhu cầu mua dữ liệu với số lượng lớn để sử dụng trái phép nhằm thu lợi bất chính. Bên cạnh đó, cũng lại có không ít các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thiếu trách nhiệm trong việc quản lý dữ liệu thông tin của các đối tác, khách hàng của mình.

Triệt phá nhiều đường dây chiếm đoạt, mua bán dữ liệu cá nhân - Ảnh 2.

Ảnh chụp màn hình hàng nghìn chứng thư của người Việt bị hacker rao bán. (Ảnh chụp màn hình)

Chỉ cần đánh các từ khóa đơn giản và 1 cái click chuột trên trang tìm kiếm Google trong vòng chưa đầy 0,5 giây đã cho gần 19 triệu kết quả về các hoạt động mua bán trái phép dữ liệu thông tin của các tổ chức, cá nhân của đủ mọi lĩnh vực, ngành nghề trong xã hội.

Luật an toàn thông tin mạng có hiệu lực từ tháng 7/2016 đã quy định rõ: Không ai được thu thập, tiết lộ thông tin cá nhân nếu không được chủ thể đó đồng ý. Thế nhưng trên thực tế, nguyên tắc này đang bị xâm phạm một cách thô bạo. Hệ quả là đã có nhiều người dân ngày đêm bị khủng bố bởi đủ các loại hàng hóa, dịch vụ trên trời dưới đất. Nguy hiểm hơn, từ những thông tin cá nhân bị đánh cắp, không ít người còn bị khủng bố tinh thần, đe dọa, tống tiền.

Theo đại diện cơ quan công an, pháp luật quy định cá nhân có quyền khởi kiện các hành vi mua bán, sử dụng trái phép dữ liệu cá nhân. Tuy nhiên do chế tài còn thiếu nghiêm khắc cùng quy trình bảo vệ quyền lợi cá nhân còn lỏng lẻo nên còn rất nhiều trường hợp vi phạm chưa bị phát hiện xử lý. Trong khi chờ đợi Nghị định về Bảo vệ dữ liệu cá nhân được đưa vào áp dụng trong thực tế, cơ quan công an sẽ tiếp tục triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ nhằm ngăn chặn hoạt động mua bán trái phép dữ liệu cá nhân.

3 năm trở lại đây, cơ quan công an đã đấu tranh làm rõ nhiều đối tượng sử dụng dữ liệu cá nhân được thu thập trái phép để xây dựng hệ thống phục vụ quảng cáo, chăm sóc khách hàng, vô hiệu hóa gần chục hệ thống, 20 trang web cung cấp dịch vụ xác định số điện thoại thuê bao 3G, 4G hay đăng ký tài khoản Mạng xã hội, vô hiệu hóa gần 500 triệu thông tin cá nhân liên quan của người dùng mạng xã hội tại Việt Nam.

Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Bộ Công An cho biết Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển và ứng dụng Internet cao nhất thế giới với khoảng 58 triệu tài khoản Facebook, 62 triệu tài khoản Google. Mức độ ứng dụng công nghệ càng nhiều thì nhu cầu cung cấp, sử dụng thông tin cá nhân lại càng lớn.

Trong bối cảnh Chính phủ đang quyết liệt chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, vấn đề cấp thiết đặt ra hiện nay chính là phải quản lý sao cho hiệu quả, đảm bảo phòng ngừa, xử lý được các hành vi vi phạm pháp luật về thông tin cá nhân, đồng thời, đảm bảo phù hợp với Hiến pháp, các quy định của pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật quốc tế. Dự thảo nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân đã được Bộ Công an hoàn thành và đang xin ý kiến thẩm định của các cơ quan, tổ chức cá nhân. Dự kiến trong tháng 6 tới sẽ trình Thủ tướng Chính phủ. Đây sẽ là cơ sở pháp lý rõ ràng để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước