Hơn 1.000 chính trị gia và chủ doanh nghiệp đăng ký tham gia Hội nghị năm nay, trong đó có nhiều Cao uỷ Liên minh châu Âu và một số Bộ trưởng của các quốc gia châu Âu. Đây là dịp để giới doanh nhân và giới chính trị gia tranh luận về đường hướng phát triển kinh tế của châu Âu.
Chủ đề năm nay của Hội nghị thượng đỉnh kinh tế châu Âu là “Khai thông tiềm năng công nghiệp, tăng tính cạnh tranh của châu Âu”. Tái công nghiệp hóa được coi là chìa khoá để vực dậy kinh tế châu Âu và giải quyết các vấn đề xã hội.
‘ Ông Herman Van Rompuy, Chủ tịch Hội đồng châu Âu. (Ảnh: Telegraph)
Ông Herman Van Rompuy, Chủ tịch Hội đồng châu Âu cho biết: “Đối với châu Âu, đây là lúc giao thời, sau cơn bão lớn, nhưng trước khi những đám mây đen tan hẳn. Chúng ta vẫn đang chưa thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế. Thất nghiệp cao và tăng trưởng chậm vẫn đang là những lo ngại lớn nhất”.
Từ nhiều năm nay, châu Âu chuyển dần sản xuất sang các nước nghèo hơn, để tận dụng lao động giá rẻ và tài nguyên thiên nhiên, chỉ giữ lại những phần việc mang lại nhiều lợi nhuận nhất. Mô hình này mang lại thịnh vượng cho kinh tế châu Âu, nhưng cũng kéo theo nhiều vấn đề xã hội, trong đó nổi bật nhất là do sản xuất bị thu hẹp nên thanh niên ngày càng khó tìm việc làm. Để giải quyết bài toán tổng thể kinh tế - xã hội, châu Âu buộc phải quay về với công nghiệp hoá.
Ông Pieter Timmermans, Tổng Giám đốc Hiệp hội doanh nghiệp Bỉ chia sẻ: “Mục đích chúng tôi đề ra tại đây là tăng tỷ trọng công nghiệp trong tổng sản phẩm quốc nội từ 16% hiện nay lên 20% vào năm 2020”.
Các doanh nhân đã sử dụng Hội nghị này để tác động tới giới hoạch định chính sách của Liên minh châu Âu. Giới kinh doanh cho rằng Liên minh châu Âu đã đưa ra những quy định quá chặt chẽ về bảo vệ môi trường, làm cho ngành công nghiệp phải tốn kém nhiều hơn, và do vậy làm giảm sức cạnh tranh của hàng hoá sản xuất tại châu Âu. Các doanh nhân cũng đề xuất giới chính trị châu Âu nên tiếp cận đề tài năng lượng một cách mềm dẻo hơn, không để các luật lệ nặng nề cản trở nền kinh tế.
Ông Markus J. Beyrer, Tổng Giám đốc Tổ chức Business Europe nói: “Chúng tôi tin rằng đây là thời điểm cần ưu tiên tăng tính cạnh tranh của công nghiệp châu Âu, cho nên cần phải loại bỏ bớt những quy định quá ngặt nghèo trong các chính sách liên quan đến sản xuất công nghiệp”.
Hội nghị thượng đỉnh kinh tế châu Âu là một diễn đàn không chính thức, sẽ không có bất cứ quyết định nào được đưa ra. Nhưng các quan điểm mà giới doanh nhân và chính trị gia tranh luận tại đây chắc chắn sẽ tác động, ở các mức độ khác nhau, tới các chính sách mà châu Âu sẽ áp dụng để thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay.