Chính phủ Thái Lan kêu gọi sớm hoàn tất bầu cử

Thanh Hà-Thứ năm, ngày 13/02/2014 00:13 GMT+7

Người biểu tình ở Thủ đô Bangkok. (Ảnh: AFP)

Ủy ban Bầu cử (EC) của Thái Lan thông báo sẽ tổ chức bỏ phiếu vào ngày 27/4 tới tại các điểm bầu cử bị người biểu tình chống Chính phủ cản trở trong cuộc tổng tuyển cử hồi đầu tháng này.

Tuy nhiên, Chính phủ Thái Lan lại cảnh báo, cuộc bầu cử phải được hoàn tất ngay từ đầu tháng 3, nếu không Uỷ ban bầu cử sẽ phải đối mặt với một tiến trình pháp lý vì để đất nước rơi vào tình trạng vô Chính phủ quá lâu.

Chính phủ Thái Lan ngày 12/2 cho biết, Ủy Ban bầu cử Trung ương phải hoàn thành việc bỏ phiếu trong vòng 30 ngày hoặc phải đối mặt với một tiến trình pháp lý.

Ông Peeraphan Palusuk, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ tạm quyền Thái Lan nói: “Nhiệm vụ của Ủy ban bầu cử là hoàn tất cuộc bầu cử trong vòng 30 ngày kể từ ngày diễn ra bầu cử chính thức là 2/2. Ít nhất Quốc hội sẽ phải được triệu tập phiên họp đầu tiên vào 3/4. Nếu điều này không diễn ra được, tôi cảnh báo Ủy ban bầu cử sẽ phải đối mặt với hành động pháp lý vì đã không hoạt động theo quy định của hiến pháp và chống lại luật pháp” .

Trước đó, Ủy ban bầu cử trung ương Thái Lan cho biết, Ủy ban này sẽ hoàn tất tiến trình bầu cử vào cuối tháng 4, có nghĩa là Thái Lan sẽ tiếp tục phải đối mặt với tình trạng chính trị không rõ ràng vì Chính phủ tạm quyền chỉ có quyền lực hạn chế.

“Ở đây đang có một âm mưu kéo dài tình trạng lộn xộn bằng cách trì hoãn hoàn tất bầu cử, nhằm ngăn cản việc bầu ra Thủ tướng và Nội các mới có đầy đủ quyền lực như luật pháp quy định để điều hành đất nước”, ông Peeraphan Palusuk cho biết thêm.

Thủ tướng Yingluck đã kêu gọi tổng tuyển cử vào ngày 2/2 vừa qua nhằm chấm dứt các cuộc biểu tình chống Chính phủ, tuy nhiên, những người biểu tình đã cản trở hoạt động bầu cử tại 1/5 số đơn vị bầu cử, có nghĩa là chưa bầu đủ số đại biểu để Quốc hội mới có thể được hình thành và chính phủ mới cũng chưa thể được thành lập.

Nhiều cơ quan Chính phủ ở Thái Lan đã bị tê liệt hoặc làm việc cầm chừng kể từ khi các cuộc biểu tình chống Chính phủ nổ ra từ tháng 11/2013 và tình hình tồi tệ hơn sau khi Quốc hội được tuyên bố giải tán từ tháng 12 vừa qua và Chính phủ của bà Yinglick trở thành Chính phủ tạm quyền. Như vậy, quyền lực của Chính phủ bị hạn chế trong triển khai các chương trình chính trị và kinh tế vì bị hạn chế chi tiêu.

Tình trạng bế tắc chính trị ở Thái Lan đã bắt đầu tác động đến các kế hoạch chi tiêu, gây gia tăng lo ngại về sự trượt dốc kinh tế.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước