Lãnh đạo các quốc gia châu Âu. (Ảnh: AP)
Uỷ ban châu Âu đề nghị các nước thành viên xây dựng một ngân sách chung cao hơn 5% so với giai đoạn trước. Tuy nhiên, đề xuất tăng ngân sách bị Thủ tướng Anh phản ứng mạnh mẽ khiến cho cuộc họp rất có khả năng sẽ là cuộc đối đầu căng thẳng giữa Vương quốc Anh và 26 quốc gia châu Âu.
Theo ghi nhận của phóng viên thường trú Truyền hình Việt Nam tại Bruxelles, Bỉ, Uỷ ban châu Âu đề xuất các nước đóng góp vào ngân sách chung 1.047 tỷ euro trong 7 năm. Nhưng với Anh, con số này là quá lớn. Trong thời điểm các quốc gia châu Âu đều ý thức rằng đóng góp vào quỹ chung là vô cùng cần thiết để giúp nhau vượt qua khủng hoảng, riêng Vương quốc Anh lại đưa ra quan điểm hoàn toàn trái ngược, đồng thời vẫn tìm cách bảo vệ lợi ích cục bộ của Anh.
Các nước phía Nam như Bồ Đào Nha và Hy Lạp ủng hộ quan điểm tăng ngân sách của Uỷ ban châu Âu. Các nước giàu hơn như Đức, Hà Lan, Phần Lan và Áo cho rằng nên giữ nguyên ngân sách chung, nhưng cũng muốn giảm mức đóng góp của mình. Còn Pháp muốn giữ ngân sách như hiện nay, với điều kiện không cắt bớt tiền dành cho chính sách nông nghiệp chung, mà Pháp là nước được hưởng nhiều nhất.
Tóm lại là mỗi quốc gia đều có toan tính riêng, làm cho không khí Hội nghị thượng đỉnh bất thường này trở nên căng thẳng. Nhưng mâu thuẫn chủ yếu vẫn là quan điểm của Anh khác biệt rất lớn so với quan điểm của 26 nước còn lại.
Mức đóng góp cho ngân sách chung tuỳ thuộc vào quy mô nền kinh tế và trình độ phát triển của mỗi quốc gia. Theo tiêu chí này, Đức phải đóng góp nhiều nhất, tiếp đến là Pháp. Ngân sách chung tương đương khoảng 1% tổng sản phẩm của Liên minh châu Âu, phần lớn dành cho phát triển nông nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng.
Tin bài liên quan: