Diễn đàn Việt Nam 2013 tại Singapore

Hữu Hưng-Thứ năm, ngày 31/10/2013 21:58 GMT+7

Diễn đàn Việt Nam 2013 đã đưa ra đánh giá tổng thể và toàn diện nền kinh tế Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.

Mặc dù có nhiều thách thức hiện tại và tương lai, Việt Nam vẫn sẽ là điểm đến của các nhà đầu tư trong tầm nhìn dài hạn. Đây là ghi nhận chung từ các bài phát biểu, tham luận của các học giả, các nhà nghiên cứu, chuyên gia kinh tế và nhà đầu tư tại Diễn đàn Việt Nam 2013 vừa diễn ra tại Singapore. Diễn đàn Việt Nam 2013 do Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tổ chức là một trong những hoạt động kỷ niệm 40 năm quan hệ Việt Nam – Singapore.

‘ Quang cảnh diễn đàn. (Ảnh: Vietnamplus)

Có thể nói, Diễn đàn Việt Nam 2013 đã đưa ra đánh giá tổng thể và toàn diện nền kinh tế Việt Nam trên nhiều lĩnh vực từ tài chính – ngân hàng, đầu tư, dịch vụ, nguồn nhân lực cho đến tiến trình hội nhập, hạ tầng giao thông và khả năng kết nối của Việt Nam.

Thành tựu lớn nhất của Việt Nam được ghi nhận là đến nay, Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng trên 5%/năm sau 2 thập kỷ liền duy trì ở mức cao trên 7%.

Tiến sĩ Jonathan Pincus, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu chính sách và Giáo dục có trụ sở tại Jakarta cho rằng, đó là kết quả của những chính sách lớn trong công cuộc đổi mới như giao đất cho người dân, công nhận khu vực kinh tế tư nhân, ngày càng mở cửa hơn cho đầu tư và hội nhập.

Tiến sĩ Vũ Minh Khương đến từ Trường Chính sách công Lý Quang Diệu bổ sung một số yếu tố như: Việt Nam có dân số cơ bản được đào tạo, sự ổn định chính trị và chính sách kinh tế vĩ mô tốt.

Một số tham luận khác đánh giá cao vị trí chiến lược của Việt Nam với vai trò là trung tâm vận tải của khu vực hay xu hướng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc về Việt Nam.

Tiến sĩ Francis Hutchison, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á cho biết: “Việt Nam vẫn là một điểm đến rất hấp dẫn cho đầu tư và kinh doanh thông qua nhiều cuộc điều tra và xếp hạng trên các khía cạnh như hậu cần và lao động. Thêm vào đó, nhiều tập đoàn đa quốc gia như Samsung, Intel và HP gần đây đã có những dự án đầu tư quy mô lớn tại Việt Nam. Hơn nữa, những thay đổi về chính sách đã tạo ra tiềm năng đổi mới cho các chính quyền địa phương trong vai trò tạo thuận lợi cho đầu tư và cho doanh nghiệp”.

Bên cạnh đó, các tham luận cũng nêu lên những thách thức đối với Việt Nam hiện nay như giải quyết vấn đề nợ xấu, giảm lạm phát, xây dựng dự trữ ngoại hối.

Các học giả, chuyên gia kinh tế cũng đóng góp nhiều ý kiến đề xuất đối với Việt Nam trong định hướng tiếp tục duy trì tăng trưởng và đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp hóa vào năm 2020, trong đó tập trung vào một số lĩnh vực như tiếp tục cải cách doanh nghiệp Nhà nước, minh bạch hơn nữa trong chính sách, tăng cường chất lượng đào tạo bậc cao và thực hiện chủ động và có chiến lược các hiệp định tự do thương mại.

Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế nói: “Khi nhìn nhận mặt tiêu cực hay khó khăn ở Việt Nam hiện nay, phần nhiều họ đã nghĩ giải pháp trong đầu hoặc cách thoát ra mà họ nghĩ đấy là những khó khăn mang tính ngắn hạn thôi. Họ tin là Việt Nam cũng nhìn nhận thấy được và đang có những giải pháp đề ra rồi để khắc phục những khó khăn này. Cuối cùng tôi thấy là cả nhiệt huyết của những người tham gia ở đây cùng với Việt Nam để cùng nhau vượt khó trong thời gian tới và mang lại tương lai tốt đẹp hơn cho đầu tư, lợi ích cho đầu tư Singapore ở Việt Nam cũng như sự phát triển Việt Nam trong tương lai.

Về quan hệ Việt Nam – Singapore, diễn đàn ghi nhận quan hệ phát triển tốt đẹp giữa hai nước ở tầm đối tác chiến lược, trong đó Singapore hiện nổi lên là nhà đầu tư lớn thứ hai ở Việt Nam với 1.200 dự án trị giá 36 tỷ SGD. Diễn đàn Vietnam 2013 được đánh giá là hoạt động thiết thực kỷ niệm 40 năm quan hệ Việt Nam và Singapore và tạo cơ sở để phát triển mạnh mẽ hơn quan hệ hợp tác song phương nhiều mặt thời gian tới.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước