Các đại biểu tham gia Hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels (Bỉ), ngày 22/11. Ảnh: AFP
Đây là cuộc họp nhằm thảo luận khung ngân sách của Liên minh châu Âu giai đoạn từ 2014 đến 2020, mà phần gay cấn nhất là xác định mức đóng góp của mỗi nước cũng như phân bổ các khoản chi. Nếu Hội nghị thượng đỉnh này thất bại, thì ngân sách chung của Liên minh châu Âu từ năm 2014 sẽ giống như ngân sách 2013 (tức là không có gì thay đổi, nước nào đang đóng góp ra sao thì vẫn sẽ tiếp tục như vậy).
Hội nghị thượng đỉnh lần này diễn ra căng thẳng và khó có kết quả cụ thể. Đây là cuộc họp xác định mức đóng góp của mỗi nước cũng như phân bổ các khoản chi tiêu chung trong 7 năm liền. Tuy nhiên lãnh đạo mỗi quốc gia đều đưa ra những đề xuất phần nhiều gắn với mục tiêu chính trị ngắn hạn của nước mình, nên ngay từ đầu cuộc họp, Chủ tịch Hội đồng châu Âu đã phải nhấn mạnh: Đoàn kết vì mục tiêu xây dựng ngôi nhà chung châu Âu.
Ông Herman Van Rompuy, Chủ tịch Hội đồng châu Âu nói: “Chúng ta nên tỉnh táo và thực tế. Không nên quên rằng, đây là ngân sách dài hạn, có giá trị tới hết thập kỷ này”.
Nhưng khác biệt là quá lớn không thể dung hoà. Chỉ sau vài giờ thảo luận, ông Rompuy đã phải tuyên bố tạm ngưng cuộc họp. Lúc đó là sau 12h đêm, khoảng 6h30 ngày 23/11 giờ Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng châu Âu đề nghị các thành viên sau 12 giờ suy nghĩ quay lại thảo luận một dự thảo ngân sách mới.
Bà Angela Merkel, Thủ tướng Đức cho rằng: “Đức muốn đạt được thoả thuận trong hội nghị này, nhưng chúng ta cũng có mục tiêu khác, đó là sự bền vững của Liên minh châu Âu, đầu tư cho nghiên cứu phát triển và sử dụng tiền có hiệu quả”.
Mâu thuẫn chủ yếu liên quan đến quan điểm của Thủ tướng Anh. Ông David Cameron cho rằng, trong khi mỗi nước đều phải cắt giảm ngân sách, thì ngân sách chung của toàn thể Liên minh châu Âu cũng phải bị cắt giảm. Làm như vậy, phần đóng góp của mỗi nước sẽ ít đi. Quan điểm này thoạt nghe thì có vẻ hợp lý, nhưng không được các quốc gia khác đồng tình. Vì với nhiều lĩnh vực, góp gạo thổi cơm chung sẽ làm cho đầu tư hiệu quả hơn, xét cho cùng thì sẽ tiết kiệm hơn. Ví dụ như trong nghiên cứu khoa học, một khoản chi chung trên bình diện toàn châu Âu sẽ cho kết quả tổng thể lớn hơn nhiều so với mỗi nước tự đầu tư nghiên cứu.