Xe cộ của lực lượng an ninh Iraq bị cháy trong các cuộc đụng độ với phiến quân Tổ chức Hồi giáo Iraq và Vùng cận đông. (Ảnh : Reuters)
Iraq đang thực sự rơi vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng khi mà các phiến quân hồi giáo có vũ trang vẫn tiếp tục tiến sâu và giành quyền kiếm soát nhiều thành phố nằm ở phía Bắc nước này, sau khi lực lượng an ninh rút đi.
Hơn 150.000 người đã tháo chạy khỏi thành phố phía Bắc Mosul của Iraq ngày 10/6 sau khi các phần tử hồi giáo có vũ trang tấn công vào thành phố, chiếm giữ các trụ sở chính quyền, phá hủy nhiều đồn cảnh sát, các sân bay và căn cứ quân sự trước sự bất lực của lực lượng an ninh tại thành phố này.
Anh Nibhan Jassim, người dân thành phố Mosul, Iraq cho biết: "Tất cả mọi người đều bỏ chạy, họ bỏ lại nhà cửa trong khi xác người thì nằm la liệt trên đường phố. Tình hình rất khó khăn, đạn cối vẫn liên tiếp rơi, nhiều người đã phải bỏ mạng”.
Bà Lyla Hassan Jassim, người dân thành phố Mosul, Iraq nói: "Lực lượng quân đội đã rút khỏi thành phố, chúng tôi cũng bỏ chạy và đến đây”.
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng Cận Đông (ISIL) và các nhóm đồng minh chiếm được thành phố Mosul thuộc tỉnh Nineveh của Iraq sau cuộc giao tranh ác liệt với các lực lượng an ninh nước này từ tối 9/6. Như vậy, Mosul trở thành thành phố lớn thứ hai của Iraq rơi vào tay các nhóm phiến quân sau thành phố Fallujah kể từ hồi đầu năm cho tới nay.
Chính phủ Iraq đã lên tiếng yêu cầu Mỹ hỗ trợ giành lại quyền kiểm soát thành phố Mosul đồng thời thừa nhận quốc gia Trung Đông này đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng thực sự.
Ông Osama al-Nujaifi, Chủ tịch Quốc hội Iraq chia sẻ: "Chúng ta đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng cực kỳ nghiêm trọng, một cuộc khủng hoảng do các phần tử khủng bố nước ngoài tiến hành, chúng chiếm các thành phố, giết hại dân thường vô tội và lật đổ chính quyền một cách trắng trợn. Những gì đã xảy ra vài ngày qua và ngày hôm nay là một cuộc chiếm đóng toàn bộ tỉnh Nineveh".
Trước những diễn biến căng thẳng tại khu vực miền bắc Iraq, Thủ tướng nước này, ông Nouri Maliki đã yêu cầu Quốc hội tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để ông có được quyền hạn lớn hơn.
Phản ứng trước những diễn biến căng thẳng tại khu vực phía Bắc Iraq, Mỹ tuyên bố tình hình tại Mosul là cực kỳ nguy hiểm và sẽ hỗ trợ Chính phủ Iraq đẩy lui lực lượng phiến quân này.
Người phát ngôn của Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon cũng bày tỏ lo ngại sâu sắc trước tình hình trên, đồng thời kêu gọi Chính phủ Iraq và chính quyền khu vực người Kurd ở phía Bắc Iraq hợp tác với nhau trong nỗ lực ổn định tình hình trong khu vực.