"Kiểm soát căng thẳng trên biển Đông"

Lê Minh - Đức Hoàng-Thứ năm, ngày 06/06/2013 17:39 GMT+7

 Tại phiên thảo luận, một lần nữa vấn đề pháp lý của Đường yêu sách 9 đoạn của Trung Quốc lại tiếp tục được các học giả, các nhà nghiên cứu quốc tế đưa ra.

Hội thảo quốc tế thường niên lần thứ ba về biển Đông do Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) - Viện nghiên cứu chiến lược hàng đầu của Mỹ tổ chức. Con số hơn 250 người đăng ký tham dự đã phần nào phản ánh tầm quan trọng của vấn đề cũng như mối quan tâm của các học giả quốc tế và dư luận Mỹ về diễn biến tình hình biển Đông hiện nay.

Trong ngày thảo luận đầu tiên, các học giả, các nhà nghiên cứu quốc tế đã tập trung phân tích các diễn biến mới gây lo ngại trên biển Đông thời gian gần đây, các nguyên nhân dẫn đến những căng thẳng và ảnh hưởng đối với an ninh chính trị trong khu vực.

Phân tích các nguyên nhân dẫn đến căng thẳng gần đây trong tranh chấp chủ quyền trên biển Đông, bên cạnh việc lên án các hành động đơn phương của một số nước, các học giả tiếp tục khẳng định, sự không rõ ràng Đường yêu sách 9 đoạn của Trung Quốc vẫn là nguyên nhân cơ bản. Tại hội thảo này, phía học giả Trung Quốc vẫn tiếp tục không đưa ra được các cơ sở của đường 9 đoạn, ngược lại còn cho rằng, có lẽ sự mập mờ là phương án phù hợp nhất cho giai đoạn hiện nay. Nhưng theo các học giả, để kiểm soát được những căng thẳng trên biển Đông, trước hết cần phải làm rõ các tuyên bố chủ quyền dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế. Đây cũng là quan điểm mà đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định trong phát biểu tại hội thảo.

Ông Joseph Y.Yun, Quyền trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á - TBD khẳng định: “Mọi tuyên bố chủ quyền phải phù hợp với luật pháp quốc tế. Chúng phải tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước quốc tế về Luật biển của Liên Hợp Quốc (UNCLOS). Điểm quan trọng trong vấn đề này đó là mọi tuyên bố chủ quyền trên biển Đông phải xuất phát từ cấu trúc đất liền. Bên tuyên bố chủ quyền phải xác định rõ được đòi hỏi chủ quyền của mình đối với các vùng biển và phải dựa trên cấu trúc đất liền”.

‘ Quân đội Mỹ và Philippines trong một cuộc tập trận chung trên biển Đông Ảnh: Báo Tin tức

Các học giả cũng có chung quan điểm của đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, các bên liên quan cần chú trọng xây dựng lòng tin, triệt để giữ nguyên trạng và sử dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp.

Ông Joseph Y.Yun cũng nhấn mạnh: “Chúng tôi không tin rằng, mọi tuyên bố chủ quyền cần phải được giải quyết thông qua các biện pháp cưỡng đoạt, đe dọa và chắc chắn là không phải bằng vũ lực. Vậy nên làm thế nào để giải quyết các tranh chấp này, chúng tôi tin rằng mọi tranh chấp đều có thể được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình. Ví dụ cụ thể về các biện pháp hòa bình đó là thông qua đàm phán ngoại giao, hay thông qua nước thứ ba làm trung gian. Một biện pháp hòa bình khác là công nhận phán quyết của Trọng tài quốc tế, nếu đảm bảo tuân thủ các biện pháp này, sẽ không có sự đe dọa, xung đột cũng như các hành động trả đũa”.

Các học giả cũng đánh giá cao nỗ lực của ASEAN trong việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC). Mặc dù còn một số lo ngại về tiến độ, song nhiều ý kiến cho rằng, COC sẽ là khuôn khổ pháp lý có thể giúp giảm thiểu những căng thẳng trong vùng biển này. Các học giả, các nhà nghiên cứu có chung nhận định rằng, những căng thẳng trên biển Đông có ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường chính trị hòa bình, an ninh và phát triển trong khu vực, do đó cần có các biện pháp kiểm soát hiệu quả.

Dự kiến trong ngày hội thảo thứ hai, các học giả, các nhà nghiên cứu quốc tế sẽ thảo luận vai trò của luật pháp quốc tế trong giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông; các biện pháp nhằm kiểm soát căng thẳng và thúc đẩy hợp tác trong vùng biển này.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước