Và giờ đây sự thực tâm và chân thành - cơ sở để xây dựng nên “lòng tin chiến lược” đang trở thành một phương cách ứng xử để gìn giữ hòa bình, hợp tác và thịnh vượng của châu Á - Thái Bình Dương.
Để giải quyết những tranh chấp và mâu thuẫn giữa các nước trên Biển Đông cũng như ở châu Á - Thái Bình Dương, từ lâu các nước trong khu vực đã sử dụng khái niệm ngoại giao phòng ngừa trong đó có nguyên tắc xây dựng lòng tin. Nhưng đây là lần đầu tiên khái niệm “xây dựng lòng tin chiến lược” đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa ra tại Đối thoại Shangri-La nhằm kêu gọi các cường quốc đang can dự vào khu vực cũng như các nước có liên quan đến những căng thẳng gần đây ở châu Á - Thái Bình Dương cần hợp tác để ngăn ngừa xung đột, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Trước hết, muốn xây dựng “lòng tin chiến lược” thì những giá trị của nhân loại như Hiến chương Liên Hiệp Quốc và luật pháp quốc tế phải được tôn trọng.
Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược, Bộ Công an cho rằng: “Chính sách của chúng ta đưa ra với quan điểm xây dựng lòng tin để giải quyết tranh chấp thông qua con đường hòa bình, thương thảo, dựa vào luật pháp quốc tế. Đấy là trục chính của chính sách đối ngoại Việt Nam mà lần này chúng ta đã nêu được với thế giới và nhận được sự phản hồi của dư luận quốc tế, điều này góp phần tạo thêm sức mạnh cho Việt Nam trong quá trình triển khai chiến lược đối ngoại, để chúng ta hoàn toàn triển khai chính sách giải quyết tranh chấp Biển Đông.
Đối với trong nước, điều này hơn 90 triệu người dân Việt Nam trong và ngoài nước hiểu thái độ của Nhà nước Việt Nam là rõ ràng, mạch lạc và nhất quán. Chúng ta là thành viên có trách nhiệm đầy đủ trong cộng đồng quốc tế, chúng ta theo đuổi con đường thương thảo hòa bình và dựa vào Công ước Luật Biển LHQ 1982, đây là trục để tập hợp lực lượng trong nước, tạo đồng thuận trong xã hội Việt Nam, là cội nguồn sức mạnh dân tộc Việt Nam”.
‘ Chiến sĩ đảo Trường Sa chắc tay súng bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Ảnh: VnE
Là một trong những khu vực địa chính trị quan trọng nhất trên thế giới, châu Á - Thái Bình Dương đã trở thành nơi diễn ra những cuộc chiến tranh, xung đột dài và ác liệt nhất trong lịch sử cận đại. Khu vực chiến lược này cũng là nơi mà các cường quốc đã từng tiến hành các cuộc chiến tranh trong gần cả thế kỷ XX, nhưng nguy hiểm nhất là gần đây đã xuất hiện việc đề cao sức mạnh đơn phương, đưa ra những đòi hỏi phi lý, những hành động trái với luật pháp quốc tế, mang tính áp đặt và chính trị cường quyền. Nếu những hành động này không được giải quyết bằng các giải pháp hòa bình, bằng sự thực tâm, chân thành, bằng việc tuân thủ luật pháp quốc tế thì xung đột quân sự có thể xảy ra và việc này sẽ gây thiệt hại cho tất cả các bên.
Đại tá Lê Thế Mẫu, nguyên Chuyên gia phân tích chính trị quốc tế, Viện Chiến lược quốc phòng nhận xét: “Trong thời gian vừa qua liên tục xảy ra những xung đột giữa các nước, mà trong đó có những biểu hiện đề cao vai trò sức mạnh quân sự áp đảo để áp đặt ý chí cho các quốc gia khác. Thứ hai là thể hiện vai trò chính trị cường quyền ở trong khu vực, cho nên để xảy ra một xung đột nhỏ là vô cùng nguy hiểm”.
Tiến sỹ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ nhấn mạnh: “Chúng ta không chấp nhận những hành động bất chấp luật pháp quốc tế, những hành vi thô bạo đâm hỏng tàu, bắn cháy tàu, làm tổn hại đến tính mạng của ngư dân. Chúng ta kêu gọi tất cả các nước ứng xử không được dùng vũ lực, không được sử dụng vũ khí, cần đối xử với nhau một cách văn minh và hợp tác, cùng ngồi lại để đàm phán hòa bình, giải quyết bất cứ sự tranh chấp nào thông qua thương lượng và thông qua các giải pháp của các cơ quan tài phán quốc tế để đảm bảo chân lý, quyền lợi chính đáng, hợp pháp của các quốc gia trong từng hành động, đảm bảo cho quyền lợi của các quốc gia có lợi ích trong vận tải”.
Với bản tính hòa hiếu, trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, dù là chiến thắng nhưng người Việt Nam luôn sẵn sàng khép lại quá khứ để hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn. Và đường lối không muốn có tranh chấp hay chiến tranh, mà chỉ mong muốn hòa bình và thịnh vượng đã trở thành quan điểm ngoại giao để không chỉ giải quyết những vấn đề trước mắt, mà còn có ý nghĩa lâu dài trong việc giải quyết những thách thức đối với an ninh khu vực cũng như bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.