“Muốn ổn định Thái Lan cần đổi mới cơ chế bầu cử!”

PV-Chủ nhật, ngày 19/01/2014 15:00 GMT+7

Trước tình hình bế tắc về chính trị tại Thái Lan, TS Nguyễn Ngọc Trường – Nhà phân tích các vấn đề quốc tế – đã đưa ra nhận định như vậy trong cuộc trao đổi tại trường quay của Toàn cảnh thế giới.

PV: Thưa TS Nguyễn Ngọc Trường, ông đánh giá như thế nào về những gì đang diễn ra tại Thái Lan hiện nay? Sự đối đầu giữa Chính phủ và lực lượng đối lập của Thái Lan là điều không hề xa lạ với nền chính trị của quốc gia này trong những năm gần đây. Nhưng với căng thẳng lần này, ông đánh giá như thế nào về thách thức mà phe đối lập đặt ra đối với Chính phủ tạm quyền của Thủ tướng Yingluck?

TS Nguyễn Ngọc Trường: Tôi nghĩ rằng cuộc khủng hoảng chính trị tại Thái Lan đang đi vào bế tắc đối với cả 2 phe. Phe đối lập như đang “cưỡi trên lưng hổ” và muốn xuống không phải là điều dễ. Nếu nhìn vào toàn bộ biến động chính trị của Thái Lan trong khoảng 2 thập kỷ gần đây sẽ thấy sự xuất hiện những động cơ mới, động lực mới đằng sau đó.

Xã hội Thái Lan đã bị phân hóa một cách sâu sắc, cùng với làn sóng biến đổi trên toàn cầu trong sự phân chia giàu – nghèo, nông thôn – thành thị và cả về thể chế chính trị. Đây là một “căn bệnh thời đại”.

Có một điều đặc biệt là du lịch Thái Lan bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng nhưng nền kinh tế vẫn ổn định, thị trường chứng khoán bắt đầu khởi sắc. Điều đó cho thấy xã hội Thái Lan đã “nhờn” với biến động chính trị.

PV: Trong nội tình của biến động chính trị Thái Lan hiện nay, quân đội dường như đang đóng vai trò “tọa sơn quan hổ đấu”. Ngoài những tuyên bố bày tỏ lo ngại về tình trạng bất an ninh ở Thái Lan, chưa có động thái nào cho thấy lực lượng quân đội sẽ can thiệp vào tình hình. Ông nghĩ như thế nào về vai trò của họ? Liệu những hành động kích động bạo lực đang diễn ra có khiến quân đội phải có sự can thiệp hay không?

TS Nguyễn Ngọc Trường: Cả 2 bên, đặc biệt là phía Chính phủ đều muốn giữ cho tình hình không hỗn loạn và đổ máu đến mức quân đội phải can thiệp. Đó là một chiến thuật khôn ngoan của Chính phủ Thủ tướng Yingluck. Tôi nghĩ rằng, quân đội vẫn là một lực lượng cân bằng và đối trọng đáng kể trong xã hội Thái Lan nhưng can thiệp đảo chính không còn là một phương thức hữu hiệu. Nên để chữa “căn bệnh thời đại” của Thái Lan hiện nay, cần phải tìm ra những phương thức khác.

PV: Còn ít ngày nữa là diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội như dự kiến (ngày 2/2), ông nghĩ thế nào về triển vọng của cuộc bầu cử này? Liệu nó có được tiến hành theo như dự định hay không?

TS Nguyễn Ngọc Trường: Theo tôi, bầu cử sẽ không giải quyết được vấn đề khi phe đối lập có thái độ tẩy chay như hiện nay. Cuộc bầu cử này có diễn ra hay không vẫn còn tùy thuộc vào cuộc đàm phán sau đợt đóng cửa Bangkok này. Theo tôi, nếu hoãn được cuộc bầu cử sẽ tốt hơn cho sự ổn định và hòa giải tạm thời của Thái Lan.

PV: Nhưng nếu cuộc bầu cử diễn ra, kết quả không phải là điều khó dự báo. Có thể những lực lượng ủng hộ Thủ tướng Yingluck sẽ nhận được sự ủng hộ rất lớn của những người nghèo ở miền Bắc Thái Lan và sẽ thắng cử. Theo ông, liệu cuộc bầu cử này có phải là giải pháp cho tình trạng chính trị rối ren tại Thái Lan hiện nay hay không?

TS Nguyễn Ngọc Trường: Tôi nghĩ đó không phải là giải pháp. Nếu tiếp tục bầu cử, phe Thủ tướng Yingluck tiếp tục giành phần thắng và rồi sẽ xảy ra biểu tình, Thái Lan lại rơi vào hỗn loạn. Tôi nghĩ trong suốt mấy tháng qua, dư luận, các nhà chính khách của Thái Lan cũng như quốc tế đã bình luận theo kiểu “bình mới rượu cũ” nhưng không đưa ra được giải pháp nào cho tình hình bế tắc của Thái Lan.

Có thể thấy, phía phe dân túy chủ trương phải lấy nông thôn làm cơ sở và nếu bầu cử, phe dân túy sẽ tiếp tục thắng. Trong khi đó, phe đối lập chiếm đa số ở thành thị lại cho rằng họ đang đóng thuế cho Chính phủ và Chính phủ dùng tiền thuế đó để nuôi nông dân nên họ tỏ ra bất mãn về chuyện đó và họ đòi hỏi phải thay đổi tỉ lệ của cuộc bầu cử. Điều này lại đi ngược với trào lưu dân chủ.

Việc giải quyết vấn đề này như thế nào chính là một vấn đề mang tính thời đại và phù hợp với đặc điểm của Thái Lan. Phải chăng cần có đổi mới thể chế? Xã hội Thái Lan cũng đã có những ý kiến như vậy. Tôi nghĩ có một cuộc cải cách về bầu cử là hết sức quan trọng bởi phải có một cơ chế bầu cử như thế nào đó để đảm bảo sự cân bằng quyền lực một cách lâu dài, bền vững mới có thể giải quyết được tình hình Thái Lan một cách căn bản.

Xin cảm ơn ông!

Để lắng nghe những chia sẻ của TS Nguyễn Ngọc Trường, các bạn có thể xem lại chương trình Toàn cảnh thế giới ngày 19/1 tại mục Video đặc sắc của báo điện tử VTV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước