Đề xuất này đã được Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga thảo luận ngày 13/3. Hôm 15/2 vừa qua, một thiên thạch có đường kính gần 17m đã rơi xuống tỉnh Chelyabin (Nga), làm hư hại hơn 7.000 ngôi nhà và làm hơn 1.600 người bị thương nhẹ.
Theo số liệu của Học viện Nghiên cứu Thiên văn thuộc Viện hàn lâm khoa học Nga, hiện có tới 200.000 đến 300.000 vật thể trên vũ trụ, chủ yếu là các thiên thạch, có khả năng gây nguy hiểm cho Trái đất. Một thiên thạch với đường kính 40m khi va vào Trái đất có thể phát ra nguồn năng lượng ngang với một quả bom nhiệt hạch.
Hiện Cơ quan Hàng không Vũ trụ Nga đang phải theo dõi sát một tiểu hành tinh có tên Apophis, dự kiến sẽ tiến rất gần trái đất vào 2036.
Theo các chuyên gia Nga, trong một số trường hợp, việc sử dụng bom hạt nhân có thể sẽ là giải pháp cần thiết.
Ông Oleg Shubin, Giám đốc Phát triển Vũ khí hạt nhân, Công ty Nhà nước Rosatom cho biết: “Các công nghệ giờ đây có thể cho phép chúng ta tiến hành các vụ nổ hạt nhân bên từ trong một thiên thạch. Một vụ nổ như vậy, tùy thuộc vào độ sâu có thể có sức công phá từ 10 – 50 megaton”.
Theo ước tính, kế hoạch này có thể tiêu tốn của Nga khoảng 500 triệu USD. Tuy nhiên, điều quan trọng là làm sao để nó không vấp phải sự phản đối của cộng đồng quốc tế
Ông Vladimir Popovkin, Giám đốc Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga nói: “Theo ý kiến của tôi, điều cần thiết là phải tạo ra các văn bản trên mức độ quốc tế, để đảm bảo sẽ không xảy ra các vụ thử và triển khai vũ khí trên không gian dưới vỏ bọc một kế hoạch ngăn chặn các thiên thạch va vào Trái đất”.
Theo Giám đốc Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga, những bước đi đầu tiên của kế hoạch này có thể bắt đầu tiến hành từ cuối năm 2013. Tuy nhiên, giải pháp sử dụng vũ khí hạt nhân để phá hủy thiên thạch sẽ không thể triển khai trước năm 2018, ngay cả khi mọi thứ diễn ra suôn sẻ.