Túi nhựa, hộp đựng sữa, quần áo cũ… đối với nhiều người đều là đồ bỏ đi. Nhưng tại lò đốt rác thải Hogdalen ở thủ đô Stockholm, những thứ bỏ đi này lại được thu gom, phân loại và đốt cháy thành nhiệt và điện năng cung cấp cho các hộ gia đình trong thành phố. Cùng với sự gia tăng trong hoạt động tái chế, tổ chức này dự báo mỗi năm Thụy Điển sẽ thiếu khoảng 1,6 triệu tấn rác thải. Giải pháp và cũng là sự lựa chọn duy nhất cho Thụy Điển là nhập khẩu rác thải.
Bà Catarina Ostlund, Cố vấn cao cấp, Cơ quan bảo vệ môi trường Thụy Điển, cho biết: “Nhiều quốc gia không có lò đốt và họ không có hệ thống thích hợp để tái chế nguyên vật liệu. Thay vào đó, họ xử lý rác ở các bãi chôn lấp thông thường".
"Chỉ riêng châu Âu, chúng tôi xử lý khoảng 140 triệu tấn rác thải sinh hoạt mỗi năm. Số lượng này đủ để bao phủ cả đất nước Thụy Điển trong một lớp rác dày 10cm. Vì vậy, sẽ tốt hơn nếu chúng tôi có thể sử dụng một phần rác thải đó làm nguyên liệu ở các lò đốt để sản sinh ra nhiệt và điện cung cấp cho các hộ gia đình”.
Việc chôn lấp rác thải gây ô nhiễm môi trường không nhỏ do quá trình này làm thoát ra một số khí gây hiệu ứng nhà kính và kim loại nặng có thể ngấm vào mạch nước ngầm. Trong khi đó, việc nhập khẩu rác thải cũng mang lại nhiều lợi ích kinh tế.
Đối với nhiều công ty năng lượng, đây là một lĩnh vực kinh doanh “béo bở”. Họ được trả tiền để thu gom rác thải và sau đó lại thu được tiền một lần nữa khi bán ra nhiệt và điện cho các hộ gia đình.
Hiện nay, Thụy Điển không phải là nước duy nhất nhập khẩu rác. Đức, Hà Lan và Bỉ cũng là những nước nhập khẩu rác làm nguyên liệu cho lò sản xuất nhiệt và điện nhưng ở quy mô nhỏ hơn so với Thụy Điển.