Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra hôm 28/11 đã có bài phát biểu trước toàn dân kêu gọi người biểu tình trở lại bàn thương lượng. Lời kêu gọi được phát trên trên truyền hình sau khi Chính phủ của bà Yingluck vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội.
‘ Đoàn biểu tình chống Chính phủ tuần hành ở Thủ đô Bangkok hôm 27/11. (Ảnh: Reuters)
Để có cái nhìn sâu hơn về tình hình chính trường Thái Lan hiện nay, mời quý độc giả cùng theo dõi những ý kiến phân tích của một nhà báo kỳ cựu của Thái Lan, người đã theo dõi rất sát những diễn biến chính trị tại Thái Lan những năm gần đây, đặc biệt là cuộc khủng hoảng lần này.
PV: Xin cảm ơn ông đã nhận lời trả lời cuộc phỏng vấn của Đài Truyền hình Việt Nam. Ông đánh giá như thế nào về tình hình căng thẳng hiện nay?
Ông Pichai Chuensuksawadi, Tổng biên tập Báo Bưu điện Bangkok: “Có một điểm tích cực là cho đến nay vẫn chưa xảy ra bạo lực. Chính phủ đã tuyên bố không sử dụng vũ lực để đối phó với người biểu tình. Những người biểu tình thì tuy đã xông vào các cơ quan chính phủ, nhưng không đập phá tài sản tại đó. Những người áo đỏ thì chọn điểm tập trung là sân vận động Rachamangala và chỉ ở đó, cách xa những người biểu tình chống Chính phủ.
PV: Cho đến nay phe đối lập vẫn bác bỏ những đề xuất hòa giải của Chính phủ, vậy thì liệu đề xuất của phe đối lập có mang lại giải pháp cho tình hình hiện nay?
Ông Pichai Chuensuksawadi: “Ông Suthep thủ lĩnh nhóm biểu tình đã đưa ra đề xuất về nghị viện nhân dân để chống tham nhũng, nhưng đề xuất này vẫn có vấn đề, chẳng hạn như ai là người quyết định về các thành viên của nghị viện, hiện vẫn chưa có gì rõ ràng”.
PV: Vấn đề của phe đối lập hiện nay là gì?
Ông Pichai Chuensuksawadi: “Trong khi Đảng Vì Nước Thái nhận được sự ủng hộ rộng rãi của người dân ở các vùng nông thôn ở miền Bắc và Đông Bắc Thái Lan thì cho đến nay, Đảng Dân chủ vẫn chưa vươn tới được các vùng đó để có thể thu được đủ số phiếu ủng hộ. Họ vẫn chưa hiểu và chưa chấp nhận thực tế là người dân nông thôn cũng là những người đi bỏ phiếu, và cần phải lắng nghe tiếng nói của họ”.
PV: Theo ông đâu là giải pháp để các bên có thể đi đến tiếng nói chung?
Ông Pichai Chuensuksawadi: “Sự chia rẽ chính trị hiện nay đòi hỏi phải có sự chấp nhận từ cả 2 phía trước thực tế là họ có thể có những quan điểm khác nhau, có thể tranh luận với nhau, nhưng mỗi bên đều cần chấp nhận phía bên kia có quyền có quan điểm khác”.
PV: Vậy liệu có thể dự đoán tình trạng này sẽ đi đến đâu?
Ông Pichai Chuensuksawadi: “Tình hình hiện nay vẫn phức tạp, không thể biết chắc được nó sẽ kết thúc như thế nào, nhưng tất cả các bên đều có chung mong muốn không để xảy ra bạo lực. Có một sự kiện đang đến gần đó là ngày sinh nhật Nhà vua vào ngày 5/12, và mọi người thường không muốn chứng kiến bất ổn vào dịp này. Và điều chúng tôi rất hy vọng là sẽ không xảy ra bạo lực”.
Xin cảm ơn ông.