Đây là một phần trong nỗ lực của chính quyền Trung Quốc nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí, một trong những vấn đề gây lo ngại trong dư luận nước này những tháng gần đây.
Theo Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc, chương trình thí điểm thương mại khí carbon tại Thẩm Quyến sẽ bao gồm 635 công ty có lượng khí thải chiếm 26% trong tổng số khí thải của toàn thành phố.
Chương trình này sẽ khuyến khích việc giảm thiểu lượng khí thải carbon dioxide bằng cách thiết lập một giới hạn cho các công ty. Đồng thời, những công ty này sẽ được cấp điểm tín dụng, tương đương với mỗi tấn khí thải carbon. Số điểm tín dụng này có thể được mua bán theo nhu cầu tại trung tâm trao đổi thương mại khí carbon.
‘ Thẩm Quyến là 1 trong 7 khu vực được Chính phủ Trung Quốc lựa chọn để thí điểm chương trình thương mại carbon trước năm 2014. (Ảnh: Internet)
Bà Chen Hai’ou, Giám đốc Trung tâm Trao đổi khí thải Thẩm Quyến cho biết: “Một số doanh nghiệp có thể phải đối mặt với việc gia tăng chi phí khi phải mua hạn ngạch khí carbon, nhưng một số khác lại hưởng lợi từ việc này. Vì vậy, đứng từ phía quan điểm của toàn xã hội, chi phí chung sẽ giảm xuống và chúng ta sẽ thấy sự tối ưu hóa của việc phân bổ tài nguyên”.
Sau Thẩm Quyến, các trung tâm trao đổi thương mại khí thải sẽ được mở tại các thành phố lớn khác bao gồm Bắc Kinh, Thiên Tân, Thượng Hải và Trùng Khánh.
Bà Wu Changhua, Giám đốc tổ chức The Climate Group chia sẻ: “Việc ra mắt một nền tảng cho việc trao đổi khí carbon đã gửi tới mọi người thông điệp rằng Trung Quốc đã bắt đầu thực hiện các bước đi nhằm giảm lượng khí thải. Tôi nghĩ rằng điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với Trung Quốc”.
Trung Quốc hiện là nước xả nhiều khí thải nhất thế giới và tiêu thụ một lượng than bằng phần còn lại của thế giới cộng lại. Nếu chương trình trao đổi khí carbon thành công, Trung Quốc sẽ đạt chỉ tiêu cắt giảm lượng khí thải carbon dioxide xuống 45% trong vòng 7 năm.