SEA Games – Đại hội thể dục thể thao Đông Nam Á, không ít lần nhận về những lời chê vì vấn đề tồn đọng trong khâu tổ chức, trong vấn đề về trọng tài… qua các kỳ. Không thể phủ nhận, những "hạt sạn" đôi lúc vẫn còn xuất hiện nhưng cũng không thể nói, chất lượng của giải đấu mang tầm cỡ khu vực này mãi "giậm chân tại chỗ" hay "ao làng" mà đang tốt dần lên sau mỗi lần tổ chức.
SEA Games 31 cũng là kỳ Đại hội có tỷ lệ môn thi đấu nằm trong Olympic (60%) và ASIAD (85%) ở mức cao so với kỳ SEA Games lần trước diễn ra ở Philippines. Đây là tín hiệu rất đáng ghi nhận bởi thành tích của VĐV những môn thể thao tại Olympic có thể xem là "không biết nói dối". Bởi mọi kết quả đều sẽ được ghi nhận bởi hệ thống hiện đại mà ở đó, con người gần như không thể can thiệp.
Đáng mừng hơn, ở những môn cơ bản hàng đầu trong hệ thống thi đấu Olympic như Bơi hay Điền kinh, Đoàn Thể thao Việt Nam một lần nữa có được những thành tích hơn cả mong đợi.
Điền kinh Việt Nam: Thống trị SEA Games 31
Kết thúc SEA Games 31, Điền kinh Việt Nam giữ vị trí số 1 ở môn "Thể thao nữ hoàng" này với thành tích cực xuất sắc gồm 22 HCV, 15 HCB và 8 HCĐ - bỏ xa thành tích 12 HCV của đoàn xếp tiếp theo là Thái Lan - và cũng vượt xa chỉ tiêu mà Điền kinh Việt Nam đề ra trước Đại hội.
Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Thị Huyền, Quách Thị Lai và Nguyễn Văn Lai là những gương mặt nổi bật của Điền kinh Việt Nam tại SEA Games 31.
Đây là thành tích tốt nhất của 1 đoàn thể thao từng giành được tại SEA Games – cân bằng kỷ lục HCV của đoàn Thái Lan xác lập tại SEA Games 21 (2011).
Trong khi những đường chạy cự ly ngắn như 200m khiến người ta nhớ đến sự vắng bóng đáng tiếc của Tú Chinh trước thềm Đại hội, sự thành công của Điền kinh Việt Nam phần lớn đến ở các nội dung chạy trung bình và dài của nữ, khi giành trọn 8 HCV.
Trong những vận động viên điền kinh Việt Nam tỏa sáng tại SEA Games 31 phải kể tới các chân chạy xuất sắc, như: Nguyễn Thị Oanh (3 HCV); Nguyễn Thị Huyền, Quách Thị Lan, Nguyễn Văn Lai với cú đúp HCV.
Bên cạnh những gương mặt đã thành danh, đấu trường Điền kinh còn chứng kiến sự lên ngôi đầy bất ngờ và vỡ òa cảm xúc như tấm HCV Marathon lần đầu tiên trong lịch sử SEA Games của Thể thao Việt Nam thuộc về VĐV Hoàng Nguyên Thanh.
Hoàng Nguyên Thanh là VĐV Việt Nam đầu tiên trong lịch sử giành HCV nội dung Marathon.
Lò Thị Hoàng phá kỷ lục SEA Games môn ném lao với thành tích 56,37m.
Bên cạnh đó là chức vô địch 7 môn phối hợp của cô gái 25 tuổi người dân tộc Mường Nguyễn Linh Na sau 17 năm Việt Nam không thể lên ngôi, là tấm HCV chạy 100m rào nữ của VĐV Bùi Thị Nguyên với thời gian 13s51’’, là kỷ lục SEA Games môn ném lao với thành tích 56,37m của Lò Thị Hoàng.
Bơi lội Việt Nam: Các kình ngư nam khỏa lấp nỗi nhớ Ánh Viên
Tại SEA Games 31, tuyển bơi Việt Nam vắng bóng Ánh Viên – người từng mang về tới 6/10 tấm HCV ở kỳ Đại hội trước. Kết thúc các nội dung thi đấu ở đường đua xanh, dù không về nhất toàn đoàn song bơi lội Việt Nam cũng cải thiện được thành tích so với kỳ SEA Games gần nhất bằng 11 HCV, 11 HCB và 3 HCĐ.
Ngoài tấm HCV nội dung 4x100m tiếp sức nam có phần may mắn (khi 2 đội tuyển về đích trước tuyển Việt Nam bị tước huy chương do phạm quy), 10 tấm HCV còn lại tại SEA Games 31 đều thể hiện thực lực của các VĐV.
Trong bối cảnh chưa VĐV nữ nào cho thấy đủ tầm khỏa lấp sự thiếu vắng Ánh Viên, các kình ngư nam Việt Nam lại tỏa sáng rực rỡ để giúp tuyển bơi Việt Nam duy trì được thành tích.
Huy Hoàng gần như "vô đối" tại các nội dung sở trường của mình
Đáng chú ý nhất là kình ngư Nguyễn Huy Hoàng với 4 tấm HCV các nội dung cá nhân (400m tự do, 800m tự do, 1.500m tự do, 200m bướm). Anh còn góp mặt ở đội bơi 4x200m tiếp sức giành HCV và phá kỷ lục SEA Games.
Bên cạnh Huy Hoàng, Trần Hưng Nguyên và Phạm Thanh Bảo cũng đặc biệt gây ấn tượng với những thành tích đáng nể.
Phạm Thanh Bảo và Trần Hưng Nguyên đã có một kỳ SEA Games 31 đáng nhớ
Trần Hưng Nguyên bảo vệ thành công tấm HCV SEA Games 400m hỗn hợp cá nhân từng giành được năm 2019 tại Philippines và cũng tự phá kỷ lục SEA Games của chính bản thân từng được xác lập ở kỳ Đại hội trước.
Phạm Thanh Bảo phá kỷ lục SEA Games ở 2 nội dung 50m và 100m bơi ếch. Ấn tượng hơn cả là tấm HCV nội dung 50m bơi ếch ghi dấu lần đầu tiên bơi lội Việt Nam vượt qua Thái Lan hay Singapore ở cự ly ngắn. Thành tích này cũng giúp anh trở thành VĐV Việt Nam đầu tiên giành HCV ở cự ly 50m tại đấu trường SEA Games.
Tiến ra biển lớn từ "sông-hồ-ao"
Nhìn vào những con số thống kê, chúng ta có thể thấy ở nhiều nội dung giành HCV SEA Games, các VĐV của chúng ta phải cải thiện nhiều để đạt chuẩn Olympic. Nhưng số liệu cũng chỉ ra rằng, thể thao Việt Nam nói riêng hay khu vực nói chung không chỉ "quanh quẩn ao làng" khi thành tích của các VĐV luôn không ngừng cải thiện.
Chia sẻ về thành tích tại SEA Games 31, kình ngư Huy Hoàng nói: "Đây là thành quả của cả quá trình chuẩn bị rất dài, không phải chỉ một hoặc hai tháng tập luyện. Mình đã phải tập luyện nhiều năm để hướng đến những kết quả như vậy nên cảm thấy vui và tự hào ngay lúc này".
Vậy chẳng phải gắn cái chữ "ao làng" vào giải đấu tầm cỡ khu vực, là đang vứt bỏ đi hàng nghìn giờ tập luyện, mồ hôi và cả nước mắt của các VĐV hay sao?
Trước khi vô địch Olympic kình ngư Singapore Joseph Schooling cũng từng là VĐV "mới toanh", là gương mặt triển vọng SEA Games 28 – Singapore 2015, cạnh tranh danh hiệu VĐV xuất sắc nhất Đại hội với Ánh Viên. Giống Joseph Schooling, câu chuyện tương tự cũng đã xảy ra với xạ thủ Hoàng Xuân Vinh (Việt Nam), với VĐV Taekwondo Panipak Wongpattanakit (Thái Lan), với VĐV cử tạ Hidilyn Diaz (Philippines)… Họ đều là những nhà vô địch SEA Games trước khi bước trên đỉnh cao nhất của đấu trường Olympic.
Làm từ thấp đến cao, tiến ra biển lớn từ sông hồ, đó âu đã là quy luật xưa nay!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!