Tai nạn thương tâm xảy ra cách đây nửa tháng tại khu vực cầu vượt Lê Văn Lương, Hà Nội khi một chiếc xe ô tô đã tông thẳng vào những người phía trước khiến một người tử vong tại chỗ, 2 người bị thương nặng, chiếc ô tô bị cháy rụi. Nguyên nhân là do tài xế đạp nhầm chân ga và chân phanh.
Đây chỉ là vụ việc tiếp nối rất nhiều trường hợp tương tự. Một lỗi tưởng chừng đơn giản nhưng hậu quả lại khôn lường.
Những vụ tai nạn không mong muốn liên quan đến chân phanh, chân ga và không trừ một ai dưới bất kỳ hoàn cảnh nào. Tại sao chân phanh, chân ga lại cần một kỹ thuật xử lý quan trọng như vậy?
Ngoài những kỹ năng mà tay đua chuyên nghiệp giới thiệu còn những hệ thống có thể hỗ trợ tài xế trong việc chống đạp nhầm phanh, ga. Những hệ thống này được phát triển bởi một người Việt.
Trên thế giới, nhiều hệ thống cũng đã được các hãng xe đầu tư nghiên cứu để hạn chế tình trạng này. Điểm sáng của công nghệ an toàn trong ngành công nghiệp ô tô trên thế giới trong một vài năm vừa qua, chính là sự xuất hiện, và quy định với công nghệ phanh khẩn cấp tự động - AEB (Autonomous Emergency Braking)
Dù xuất hiện với nhiều cái tên khác nhau nhưng công nghệ này đều hoạt động để đảm bảo giúp cảnh báo cho lái xe về một vụ va chạm sắp xảy ra, đồng thời giúp lái xe phanh với một lực tối đa hoặc tự động phanh xe ô tô trong tình huống nguy cấp.
Báo cáo mới nhất về công nghệ an toàn của Cục Quản lý An toàn Giao thông Cao tốc Mỹ từ năm 2017 cho biết, 4 trong số 20 nhà sản xuất ô tô như Tesla, Mercedes-Benz, Toyota và Volvo đã thực hiện tiêu chuẩn trang bị phanh khẩn cấp tự động trên hơn một nửa số xe của họ.
Đầu năm 2018, 40 quốc gia do Nhật Bản và EU dẫn đầu, không bao gồm Mỹ và Trung Quốc, đã thống nhất ra yêu cầu đối với những chiếc ô tô mới được sản xuất phải được trang bị hệ thống phanh khẩn cấp tự động vào năm 2020.
Theo nghiên cứu, hệ thống này có thể giúp ngăn chặn 20% vụ va chạm xảy ra. Trước đó, vào năm 2012, Cơ quan an toàn giao thông quốc gia Mỹ - NHTSA cũng có nghiên cứu chỉ ra rằng, nếu mỗi xe ô tô đều được trang bị hệ thống phanh tự động khẩn cấp có thể ngăn chặn hoặc giảm đến 87% số tử vong và bị thương.
Tuy có nhiều tác dụng tích cực nhưng các nhà sản xuất cũng đưa ra khuyến cáo, những công nghệ này hoàn toàn chỉ mang tính hỗ trợ, người lái vẫn phải chủ động, tập trung và hoàn toàn chịu trách nhiệm với những tình huống khi tham gia giao thông.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!