Nhiều học sinh gặp khó khăn về tâm lý

Kim Hải (Ban Thời sự)-Chủ nhật, ngày 27/10/2019 11:12 GMT+7

VTV.vn - Vấn đề sức khỏe tâm thần chưa được chú trọng, nhất là tâm lý thanh thiếu niên tuổi học đường. Việc thiếu hỗ trợ kịp thời và hiệu quả có thể dẫn đến các giải pháp tiêu cực.

Hội thảo quốc tế "Hiểu biết về Sức khỏe Tâm thần ở Trường học và Cộng đồng" do Trường Đại học Giáo dục, thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội đã được tổ chức. Tại hội thảo, các chuyên gia cho biết, tự tử là nguyên nhân thứ 3 gây tử vong ở lứa tuổi học sinh trên toàn thế giới. Khoảng 50% trẻ ở độ tuổi từ 14-15 có vấn đề về tâm thần, khoảng 50% số học sinh bỏ học trên thế giới có liên quan đến trục trặc về sức khỏe tâm thần.

Còn tại Việt Nam, theo chuyên gia từ trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội, có khoảng 12%, tương đương 3 triệu thanh thiếu niên và trẻ em Việt Nam gặp các vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng, có nhu cầu hỗ trợ và trị liệu. Tuy nhiên, trên thực tế, cả gia đình, giáo viên lẫn chính các em đều chưa có nhận thức đầy đủ về vấn đề này. Phần lớn các em phải tự ứng phó với những khó khăn, em nào mạnh mẽ thì vượt qua được, còn không, những vấn đề bất thường về tâm lý sẽ trở thành bệnh lý, stress hoặc thậm chí dẫn đến tình trạng tự tử.

Hiện nay, trong nhà trường, các thầy cô giáo mới chủ yếu chú trọng trang bị kiến thức cho học sinh chứ chưa có hiểu biết đầy đủ về sức khỏe tâm thần để hỗ trợ các em. Trong nhiều trường hợp, chính các thầy cô còn làm gia tăng áp lực cho trẻ bằng những định kiến của mình.

Khó khăn trong học tập là một trong những vấn đề lớn của học sinh hiện nay, cũng là một trong những nguyên nhân gây khó khăn về tâm lý.

Khảo sát của nhóm tác giả Trần Thị Nhân Ái và Trần Thị Lệ Thu thực hiện trên 1.000 cặp học sinh/cha mẹ học sinh cho thấy, khó khăn học tập diễn ra ở cả nam và nữ với mọi độ tuổi. Trong đó, khoảng 12% số học sinh được hỏi cho rằng các em có biểu hiện khó khăn học tập. 73% học sinh đối mặt với nguy cơ rối nhiễu khó khăn học tập. Trong khi đó, theo đánh giá của các chuyên gia, sự hỗ trợ của giáo viên mới chủ yếu nằm ở việc cung cấp kiến thức chứ chưa hỗ trợ thỏa đáng về tâm lý cũng như phương pháp tháo gỡ khó khăn. Điều này khiến vô hình trung, áp lực càng đè nặng lên học sinh.

Việc hỗ trợ học sinh hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, trong đó nguyên nhân chủ yếu, theo các chuyên gia, là do sự thiếu hiểu biết về sức khỏe tâm thần của cả học sinh, cha mẹ học sinh lẫn giáo viên. Điều này dẫn đến việc nhận diện những vấn đề như căng thẳng, trầm cảm trở nên khó khăn.

Các ý kiến cho rằng, cần tích hợp nhiều hơn các nội dung về sức khỏe tâm thần vào chương trình giảng dạy cho giáo viên ngay trên ghế nhà trường sư phạm.

Tại Việt Nam hiện nay, nhiều trường đã thành lập các phòng tư vấn tâm lý học đường nhằm hỗ trợ học sinh tháo gỡ khó khăn về tâm lý. Tuy nhiên, nhiều phòng tư vấn tâm lý học đường được các chuyên gia tâm lý đánh giá là hoạt động thiếu hiệu quả, chưa thực chất.

Ở bên lề hội thảo, các chuyên gia cũng chia sẻ, những năm gần đây, việc tự sát của giới trẻ có xu hướng gia tăng. Nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tự tử vị thành niên là lo âu trầm cảm, đặc biệt, là áp lực học tập. Nhiều học sinh sau khi được cứu sống đã tâm sự, tự tử là con đường cuối cùng để phản kháng lại những áp lực kỳ vọng của cha mẹ vào thành tích học tập.

Nhiều em hàng ngày đến trường có biểu hiện bên ngoài rất bình thường nhưng trong đầu suy nghĩ, mình đi học để đáp ứng yêu cầu của bố mẹ, để trả ơn và khiến bố mẹ hài lòng khiến việc học hành trở thành gánh nặng với các em. Theo các chuyên gia, thông thường, một học sinh được "gắn nhãn" học giỏi có nguy cơ tự tử cao hơn những học sinh khác khi gặp thất bại học đường. Bên cạnh đó, rất nhiều vấn đề xã hội khác đang tác động tới học sinh hàng ngày, đặc biệt là trong quan hệ của các em với thầy cô, bạn bè, trên mạng xã hội.

Tháng 8 vừa rồi, một học sinh ở Malaysia đã treo cổ tự tử trong phòng tắm. Trước khi sự việc xảy ra, các giáo viên đã liên lạc với phụ huynh về việc cậu bé không hoàn thành bài tập về nhà. Mẹ của cậu đã la mắng, bắt cậu phải làm xong bài tập, trong khi cậu vốn không có hứng thú học tập, và từng phàn nàn với mẹ về việc có quá nhiều bài tập về nhà.

Như một số vụ việc học sinh tự tử vì rối loạn tâm lý trước đó, vụ việc này chính là hồi chuông cảnh báo cho các giáo viên và các bậc làm cha làm mẹ trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam, về cách mà chúng ta ứng xử và tác động tiêu cực lên trẻ có thể gây hậu quả nghiêm trọng như thế nào.

Một số chuyên gia giáo dục cho rằng khi học sinh gặp khó khăn về học tập không hẳn lý do vì học sinh đó không có khả năng hay là thiếu động lực học mà có thể nguyên nhân lại xuất phát từ phương pháp tổ chức dạy học và khả năng truyền thụ của người thầy. Vì thế, việc xem xét đầy đủ nguyên nhân dẫn đến những trở ngại về tâm lý cho các học sinh là điều quan trọng để đưa ra giải pháp hỗ trợ các em phù hợp.

Để nâng cao nhận thức của cộng đồng về sức khỏe tâm thần, gần đây, các giảng viên của trường Đại học Giáo dục, Đại học quốc gia Hà Nội cũng đã nghiên cứu và phát triển một số ứng dụng điện thoại có tên Shining mind, cung cấp cho mọi người kiến thức, thông tin, video clip về vấn đề sức khỏe tâm thần, các rối loạn tâm thần cụ thể, cung cấp các địa chỉ những nơi có thể hỗ trợ khi ai đó gặp vấn đề sức khỏe để kịp thời tham vấn cho học sinh.

Hi vọng sẽ ngày càng có nhiều hơn các công cụ, mô hình, các hoạt động hỗ trợ và tư vấn tâm lý cho học sinh, để giúp chăm sóc sức khỏe tinh thần của các em tốt hơn là hiện nay. Đặc biệt, quan trọng là chính các bậc phụ huynh và giáo viên cũng cần tự nâng cao hiểu biết của mình về vấn đề này, để có ứng xử phù hợp cũng như phát hiện ra các dấu hiệu bất thường về sức khỏe tâm thần của con để kịp thời phòng ngừa và can thiệp.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước