Cơ quan công an Việt Nam và Trung Quốc vừa có cuộc bàn giao những nạn nhân liên quan tới vụ buôn bán trẻ em theo thủ đoạn mới. Đó là dụ dỗ, lôi kéo phụ nữ mang thai sang Trung Quốc sinh con để bán. Vì sao có những người phụ nữ bán đi "giọt máu" của mình? Họ đáng giận hay đáng thương? Hành vi này có vi phạm pháp luật?
Những câu hỏi trên sẽ được trả lời trong chương trình Sự kiện và Bình luận tuần này với sự tham gia của Đại tá Phạm Mạnh Thường – Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an và phóng viên Nguyễn Ngân, Ban Thời sự, Đài THVN.
Đại tá Phạm Mạnh Thường cho biết, thủ đoạn trong hoạt động mua bán người chủ yếu là cưỡng ép, dụ dỗ phụ nữ, trẻ em gái đưa sang nước ngoài để ép làm vợ bất hợp pháp, hay đưa vào ổ mại dâm, mua bán trẻ em làm con nuôi, mua bán đàn ông để đưa vào hầm mỏ, công xưởng để bóc lột... Trong thời gian, nổi lên ở địa bàn Nghệ An có một số phụ nữ sang Trung Quốc đẻ và bán trẻ em. Thực tế, thủ đoạn của các đối tượng trong đường dây này là dụ dỗ những phụ nữ kém hiểu biết ở vùng sâu vùng xa kém hiểu biết.
Theo Đại tá Phạm Mạnh Thường, những bà mẹ sang bên nước ngoài sẽ gặp nhiều rủi ro, trong quá trình sinh con, thiếu sự đảm bảo về y tế, không biết tiếng nước ngoài, sinh hoạt địa phương, thậm chí liên quan tính mạng. Khi các đối tượng mang bán con đi đâu, họ cũng không biết.
Đặc biệt, Đại tá Phạm Mạnh Thường khẳng định, hành vi các bà mẹ mang thai sang Trung Quốc sinh con để bán vẫn là hành vi vi phạm pháp luật. "Trong bộ luật hình sự, đã hoàn chỉnh từ năm 2015, điều 151, tất hành vi mua bán người đều là phạm tội, dù là mẹ bán con. Dù trông đáng thương nhưng pháp luật đã quy đinh, đó cũng là hành vi trái pháp luật", Đại tá Phạm Mạnh Thường kết luận.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!