Có thể nhiều người trong chúng ta nghĩ Hiến pháp là điều gì đó xa vời, nhưng thực tế từng câu, từng chữ đều có ảnh hưởng và tác động đến môi trường, đời sống, tư tưởng của mỗi người dân Việt Nam cũng như tác động đến sự phát triển của đất nước.
Vậy nên, việc hiểu và thực hiện Hiến pháp đã trở thành trách nhiệm và nhiệm vụ của mỗi người dân trong thời điểm này. Trong chương trình Sự kiện & Bình luận sáng nay, 4/1, với khách mời là PGS-TS Hoàng Thế Liên, Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư pháp, đã bàn về những thay đổi kể từ khi Hiến pháp được đi vào thực hiện từ ngày 1/1/2014.
‘ Thứ trưởng Hoàng Thế Liên tại Sự kiện & Bình luận sáng 4/1.
Nói về những điều người dân cần biết và thực thi sau khi hiến pháp mới có hiệu lực, Thứ trưởng Hoàng Thế Liên nói: "Khi xây dựng Hiến pháp năm 92 sửa đổi thì một trong những yêu cầu được đặt ra đó là chúng ta cần có những sự đổi mới tư duy, đó là làm thế nào để Hiến pháp có hiệu lực trực tiếp cũng như sau này người dân có thể dựa vào Hiến pháp để đi kiện nếu quyền của mình bị vi phạm".
"Hiến pháp có rất nhiều đổi mới và trên một tinh thần nào đó nó có tác dụng trực tiếp và có những quyền có thể thực hiện được ngay, ví dụ như trong quyền con người, nhiều quyền có thể thực hiện được ngay... và nhiều quyền khác nữa có thể đi thẳng vào đời sống. Tất nhiên, sau này chúng ta còn phải rà soát, quy định sửa đổi bổ sung hệ thống pháp luật nhưng mặt trực tiếp nhất có thể thấy ở Hiến pháp mới chính là những quy định trước đây trái với Hiến pháp này đều được bãi bỏ và không có hiệu lực pháp luật nữa. Trong khoản 2 điều 2 của nghị quyết 64 của Quốc hội cũng đã nói những cơ quan đang thực hiện thẩm quyền nhưng bây giờ được giao cho cơ quan khác thì sẽ có hiệu lực ngay từ ngày 1/1/2014".
Cũng trong những chia sẻ tại Sự kiện & Bình luận sáng ngày 4/1, Thứ trưởng Hoàng Thế Liên cho biết về một số những thay đổi trong thẩm quyền của Chủ tịch nước.
"Chủ tịch nước cũng có những thẩm quyền rất mới như có quyền bổ nhiệm từ cấp Tướng trở lên ở tất cả các cấp độ. Trước đây, từ trung Tướng trở xuống thì thuộc quyền của Thủ tướng còn từ thượng Tướng trở lên thì mới thuộc thẩm quyền của Chủ tịch nước.
"Chủ tịch nước có quyền bổ nhiệm tất cả các thẩm phán. Trước đây, thẩm phán tối cao thuộc quyền bổ nhiệm của Chủ tịch nước nhưng bây giờ những thẩm phán khác thì thuộc quyền bổ nhiệm của Chánh án toà án tối cao bổ nhiệm... Ngay khi Hiến pháp có hiệu lực thì tất cả những sự thay đổi này đều được thi hành ngay. Do đó, vừa qua Quốc hội đã có một cuộc họp khẩn cấp để hướng dẫn thi hành khoản 2 điều 2 của nghị quyết 64".
Để biết và hiểu nhiều hơn về hiến pháp mới cũng như cuộc trao đổi với Thứ trưởng Hoàng Thế Liên tại Sự kiện & Bình luận ngày 4/1, mời quý vị khán giả xem lại trong Video dưới đây: