Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2014 cho thấy niềm tin của doanh nghiệp vào triển vọng kinh doanh đã tăng trở lại sau 2 năm sụt giảm mạnh. Quy mô vốn trung bình của doanh nghiệp năm 2014 la 15,1 tỷ đồng, gấp đôi so với năm 2006 và là mức cao nhất trong vòng 9 năm qua. Tỷ lệ doanh nghiệp tuyển dụng thêm lao động cũng tăng gần gấp đôi so với 2 năm trước đó. Tuy nhiên, theo kết quả điều tra thu thập được từ hơn 10.000 doanh nghiệp, báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2014 đã ghi nhận chi phí không chính thức đang là tiêu chí đáng lo ngại trong số 10 tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Chi phí không chính thức hay còn được gọi là chi phí gầm bàn, chi phí bôi trơn… đã trở thành những cụm từ quen thuộc trong cuộc sống thường nhật của người dân. Còn đối với các doanh nghiệp, một khảo sát cho thấy có 66/100 công ty được hỏi xác nhận đã chi trả những khoản tiền không chính thức trong hoạt động kinh doanh, sản xuất. Trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực công khai, minh bạch, đơn giản hóa thủ tục hành chính và chống lại nạn tham nhũng thì con số này thật đáng lo ngại.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh
Tham gia chương trình Sự kiện & Bình luận tuần này, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh đã giải thích rõ hơn về cụm từ "chi phí không chính thức": “Trong dân gian, người dân thường dùng nhiều từ ngữ khác nhau để nói về cụm từ này: chi phí gầm bàn, chi phí bôi trơn, chi phí lót tay… Và đó gọi chung là chi phí không chính thức. Về mặt tính chất, những khoản chi này có thể coi là hợp lý, song, lại không hợp pháp. Do đó, chúng ta cần phân biệt rõ bản chất của những khoản chi này trong các mối quan hệ khác nhau chứ không nên sử dụng chung một từ chi phí không chính thức”.
Phân tích sâu hơn về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng chi phí không chính thức không chỉ mới xuất hiện trong báo cáo năm 2014 mà đã tồn tại trong một thời gian dài. Dù 2/3 số các doanh nghiệp được hỏi thú nhận đã phải chi trả cho loại chi phí này, song, họ vẫn tiếp tục mở rộng quy mô kinh doanh. Có thể nói, các doanh nghiệp - đối tượng phải chịu khoản chi phí không chính thức - đã nhìn thấy tính hợp lý và thậm chí, họ coi đây là một khoản chi phí nhất định trong việc mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Theo ông Vũ Đình Ánh, luật pháp Việt Nam nên sửa đổi và có những quy định cụ thể để hợp pháp hóa những khoản chi phí “ngoài luồng” này và tăng tính công khai, minh bạch giữa các cơ quan quản lý cũng như các doanh nghiệp – đối tượng bị quản lý.
“Chi phí không chính thức là một hiện tượng đang khá phổ biến không chỉ trong các lĩnh vực kinh tế, kinh doanh mà còn lan ra lĩnh vực giáo dục, xã hội và cả y tế. Do đó, cần nhận biết rõ đâu là khoản chi không chính thức. Tuy nhiên, với tính chất phức tạp và quy mô không đồng đều, khoản chi phí này lại rất khó để nhận biết” – chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh chia sẻ.
Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề chi phí không chính thức, mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình Sự kiện & Bình luận tuần này qua video dưới đây:
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!