Theo thống kê, từ năm 2011 – 2016, toàn quốc đã ghi nhận hơn 1.000 vụ ngộ độc thực phẩm, khiến 164 người tử vong. Đặc biệt, nguy cơ ngộ độc thực phẩm tại các khu công nghiệp, bếp ăn tập thể đang rất cao. Gần đây nhất, vấn đề rượu chứa methanol gây tử vong cho nhiều người lại nổi lên.
Tuy nhiên, đánh giá tình hình kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay, ông Nguyễn Văn Việt - Chánh thanh tra Bộ NN&PTNT - đã đưa ra góc nhìn khá lạc quan.
"Tới thời điểm này, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trên phạm vi cả nước đã có chuyển biến tích cực. Không chỉ cá nhân tôi mà Quốc hội, Chính phủ và người dân cũng có cùng đánh giá như vậy", ông Nguyễn Văn Việt nhận định.
"Để có được kết quả này, có 2 nguyên nhân quan trọng. Đầu tiên là vấn đề quản lý Nhà nước, từ việc cơ chế chính sách đã ban hành tương đối đầy đủ đến khâu tổ chức triển khai chính sách và điều kiện để tổ chức triển khai cũng được đảm bảo" - ông Nguyễn Văn Việt phân tích - "Nguyên nhân thứ 2 là từ sự chuyển biến trên thực tiễn. Đến nay, vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đã giải quyết được một số vấn đề".
"Chúng ta đã sản xuất theo chuỗi, có nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm được chứng nhận, nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào sản xuất rau, hoa quả, thực phẩm. Những sản phẩm an toàn đã được giới thiệu cho người dân mua ở đâu. Bộ NN&PTNT cũng công bố 519 chuỗi thực phẩm an toàn trên cả nước và sắp tới sẽ công bố thêm, quy hoạch vùng sản xuất gắn với tiêu thụ, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để nâng cao nhận thức người dân và xử lý vi phạm. Đặc biệt, quan trọng nhất là công tác tuyên truyền về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đã có chuyển biến tích cực, không chỉ nêu ra tồn tại mà còn có cả những mặt điển hình tích cực".
Đồng quan điểm với ông Nguyễn Văn Việt nhưng Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội Nguyễn Đắc Lộc cũng cho rằng cần có thêm những công cụ giúp cơ quan chức năng quản lý vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay. Một trong số đó là việc nhanh chóng ban hành bộ luật hình sự mới.
"Bộ luật hình sự năm 2015 hiện chưa được thông qua nên mọi công tác tố tụng đều theo luật cũ, vì vậy độ răn đe không theo kịp sự phát triển của thị trường. Chúng ta rất cần luật mới được thông qua để cơ quan chức năng có công cụ để xử lý", ông Nguyễn Đắc Lộc cho biết.
"Từ năm 2011 – 2016, trong 300 vụ chuyển cho công an, chỉ có 1 vụ khởi tố hình sự. Tất nhiên, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này nhưng một trong số đó là bởi bộ luật hình sự có từ trước được thiết kế cấu thành tội phạm theo nội dung, tức là gây thiệt hại đến tính mạng con người hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng tới sức khỏe con người mới bị xử lý hình sự, trong khi để chứng minh được điều đó không phải dễ", ông Nguyễn Văn Việt bổ sung thêm.
"Giống như Bộ trưởng Cao Đức Phát từng chia sẻ rằng lăn đùng ra chết thì mới xử lý hình sự được, lúc ấy quay lại nguyên nhân rất khó. Do đó, thiết kế ở bộ luật hình sự mới sẽ có cả hình thức và nội dung. Chúng ta cần đi theo hướng này".
"Chúng ta cũng phải khẳng định, ngoài câu chuyện sản xuất theo chuỗi... chúng ta phải có những mức xử phạt đảm bảo tính răn đe. Khi bộ luật hình sự mới được ban hành và thực thi thì chắc chắn sẽ có sự thay đổi".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!