Các vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn sử dụng sổ đỏ giả đang ngày càng diễn biến phức tạp. Chỉ cần một cú click chuột, người ta có thể dễ dàng tìm kiếm được các dịch vụ làm sổ đỏ giả một cách công khai. Hơn nữa, với kỹ thuật in ấn hiện đại, công nghệ làm giả sổ đỏ hiện nay cũng ngày càng tinh vi hơn. Nếu nhìn bằng mắt thường thì khó có thể phát hiện được. Không chỉ cá nhân mà các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng, ngân hàng... cũng dễ dàng trở thành nạn nhân của sổ đỏ giả.
Lý giải về hiện tượng này, luật sư Nguyễn Văn Thiệp - Trưởng Văn phòng luật sư Toàn cầu, Đoàn luật sư TP.HCM - cho rằng đây là vấn đề đáng báo động hiện nay.
"Chúng ta đang có chủ trương phát triển kinh tế dựa trên nền tảng công nghệ 4.0. Những tiện ích của khoa học công nghệ đã rõ nhưng hiện trạng sổ đỏ giả lại phản ánh mặt trái của công nghệ khi tội phạm sử dụng hình thức công nghệ cao để thực hiện hành vi phạm tội của mình. Đây là vấn đề đáng báo động. Thực tiễn đó đã làm phát sinh ra vấn đề cần thay đổi về mặt pháp luật, đảm bảo phòng chống tội phạm trong lĩnh vực này", luật sư Nguyễn Văn Thiệp cho biết.
"Theo quy định pháp luật, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) thực chất không phải giấy tờ có giá. Nó là quyết định hành chính thông thường và không có quy định nào về mặt hình thức hay nội dung để chống làm giả. Chính vì vậy, với công nghệ hiện đại như hiện nay, khi các loại máy photo, scan màu vẫn được bán tràn lan trên thị trường, việc kiểm soát các cơ sở in ấn còn hạn chế nên khi chỉ cần bỏ ra chi phí thấp mà vẫn chiếm đoạt được một số tiền lớn thì không có lý do gì đối tượng không thực hiện hành vi phạm tội".
Thực tế cho thấy, những cuốn sổ đỏ giả hiện nay có thể qua mặt các cơ quan chức năng, trong đó có cả các công chứng viên. Theo luật sư Nguyễn Văn Thiệp, pháp luật quy định công chứng viên phải công chứng tính xác thực và hợp pháp. Do đó, nếu nói rằng công chứng viên không chịu trách nhiệm về tính thật giả của giấy tờ là không có căn cứ về pháp luật. Đây là ngụy biện.
"Trong trường hợp này, tội phạm chắc chắn phải chịu trách nhiệm. Các đối tượng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự ở điều 139 Bộ Luật Hình sự về lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nhưng những đối tượng giúp sức cần phân định xử lý như thế nào" - luật sư Nguyễn Văn Thiệp phân tích - "Tôi cho rằng để xử lý trường hợp này Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp cần có thông tư liên tịch để xác định rõ hành vi, giống như cách trước đây chúng ta xử lý những trường hợp trong xuất khẩu lao động. Điều đó có nghĩa là cứ có hành vi vi phạm thì công chứng viên phải bị xử lý, không thể gây tổn hại hàng chục tỷ đồng mà vô can, rất phi lý"
Một thực trạng khác là sổ đỏ thật cũng bị sử dụng để trục lợi lừa đảo. Để đẩy nhanh thủ tục cấp sổ đỏ cho người dân, nhiều địa phương đã cấp giấy chứng nhận sử dụng đất cho người dân trước. Người dân nộp lệ phí trước bạ sau. Tuy nhiên, do khoản tiền phải nộp của các gia đình có thể từ vài chục tới hàng trăm triệu đồng nên xuất hiện tình trạng người dân không nộp tiền, không nhận sổ đỏ về. Những sổ đỏ này do nhân viên phòng đăng ký đất đai giữ. Điều đó đã tạo kẽ hở cho chính những nhân viên giữ sổ đỏ mang chúng đi thế chấp ngân hàng lấy tiền.
Với trường hợp này, luật sư Nguyễn Văn Thiệp đánh giá sẽ khó để người dân có thể thu hồi tài sản của mình bởi đối tượng tội phạm trong những vụ án đều rất thông minh và thực hiện cẩn trọng, khó để lại dấu vết.
Để tìm hiểu thêm về vấn đề này, mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình Sự kiện & Bình luận qua video trên đây.