700 trường hợp vi phạm bản quyền chỉ trong 3 ngày đầu tiên diễn ra FIFA World Cup™ 2018, bất chấp những cảnh báo được phát đi. Không riêng gì bản quyền FIFA World Cup™ 2018 mà tình trạng vi phạm bản quyền đang tràn lan trên không gian số, đặt ra ra những thách thức cho Việt Nam trong việc duy trì sự nghiêm minh của pháp luật cũng như cam kết quốc tế lien quan tới quyền sở hữu trí tuệ, nhất trong bối cảnh Việt Nam gia nhập WTO và mới đây nhất là CPTPP. Những thách thức vi phạm bản quyền Việt Nam phải đối mặt trong kỷ nguyên số là gì? Đây là câu hỏi được bàn luận trong chương trình Sự kiện & Bình luận ngày 23/6.
Chia sẻ quan điểm về chủ đề này, ông Lê Quốc Vinh – Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Le Group of Companies khẳng định những đối tượng có hành vi vi phạm bản quyền cần được gọi với cái tên tội phạm.
"Nhìn thấy rất rõ là việc vi phạm bản quyền là sự trục lợi trên quyền sở hữu của người khác. Các trang mạng xã hội vi phạm bản quyền là để thu hút quảng cáo, không phải bỏ chi phí lớn để sản xuất sản phẩm chất lượng mà vẫn thu lợi từ quảng cáo. Một phần nữa là những người vi phạm bản quyền vì thú vui, muốn thu hút một lượng yêu thích cho trang cá nhân của mình. Đó cũng là một sự trục lợi", ông Lê Quốc Vinh nói.
"Chúng ta phải gọi thẳng tên những người vi phạm bản quyền là tội phạm" - ông Lê Quốc Vinh nói tiếp - "Với tội phạm như vậy, họ làm vì trục lợi. Tuy nhiên, tôi cho rằng nguyên nhân sâu xa vẫn là từ ý thức của những người tham gia nền tảng truyền thông đó, đầu tiên là người xem. Nếu họ không ý thức được việc họ đang tiếp tay cho hành vi vi phạm bản quyền mà cứ vô tư hưởng thụ giá trị của người khác mang lại. Thứ hai là các doanh nghiệp, vì lợi ích mà tìm tới những trang có giá rẻ hơn những trang chính thống. Một thực tế nữa là công nghệ, những trang chính thống hiện vẫn đang dùng công nghệ rất phổ biến, mua quảng cáo tự động. Họ không biết mình đang vô tình đẩy quảng cáo vào. Vấn đề nghiêm trọng nhất là sự lựa chọn của doanh nghiệp".
"Cuộc chiến chống vi phạm bản quyền đã thành công ở những nước khác thì không lý do nào Việt Nam không làm được. Chúng ta đã từng nhắc tới chế tài, có đầy đủ văn bản pháp luật nhưng biện pháp chế tài, mức độ chế tài lại rất thấp".
"Hơn nữa, công cuộc giáo dục ý thức của từng người dân về việc ủng hộ bản quyền được làm hời hợt, chưa có chiến dịch nào được tuyên truyền một cách rầm rộ, có bài bản để đến được mọi người dân, hầu như đều là hoạt động manh mún của những chủ sở hữu sản phẩm có bản quyền và một vài nỗ lực nhỏ nhoi nên chưa đạt được hiệu quả mong muốn", ông Lê Quốc Vinh khẳng định ..