Theo công bố mới nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Việt Nam đứng thứ 12 trên bảng xếp hạng chất lượng giáo dục toàn cầu, cao hơn nhiều so với các nền giáo dục nổi tiếng thế giới như Australia (hạng 14), Anh (hạng 20), Mỹ (hạng 28), Thụy Điển (hạng 35), Hà Lan (hạng 47) và Malaysia (hạng 52). Tuy nhiên, thứ hạng này có thật sự phản ánh chất lượng học tập của các học sinh Việt Nam? Câu hỏi này chính là chủ đề được bàn luận trong chương trình Sự kiện & Bình luận tuần này.
Lý giải về những phản ứng trái chiều của dư luận trong nước khi biết tin Việt Nam đứng thứ 12 trên bảng xếp hạng chất lượng giáo dục, tiến sĩ Sái Công Hồng - chuyên gia kiểm định chất lượng giáo dục – cho biết bảng xếp hạng này thực chất chỉ là một cuộc khảo sát về môn toán và môn khoa học. Đây chỉ được goi là một góc xếp hạng chứ không thể phản ánh chất lượng của một nền giáo dục. Tuy nhiên, nhiều người lại có sự lầm tưởng bảng xếp hạng này.
“Bộ Giáo dục & Đào tạo cũng chưa có một báo cáo chính thức nào về việc này. Vì vậy, nhiều người vẫn lầm tưởng cuộc khảo sát được thực hiện bởi tổ chức OECD chính là bảng đánh giá chất lượng phổ thông Việt Nam và họ vui mừng khi biết Việt Nam được xếp hạng cao hơn Mỹ” – tiến sĩ Sái Công Hồng chia sẻ.
Trong khi đó, giảng viên Phan Hồ Điệp - giảng viên Khoa Giáo dục đặc biệt, ĐH Sư phạm Hà Nội và là mẹ của “thần đồng” Đỗ Nhật Nam – cho biết, hai lý do khiến dư luận không mấy mặn mà với kết quả trên: “Bảng xếp hạng này mới được đưa vào Việt Nam nên chưa thực sự thu hút sự chú ý của dư luận. Bên cạnh đó, một nền giáo dục phản ánh rõ nhất sự phát triển của xã hội và rõ ràng, Việt Nam chưa thể phát triển về mặt kinh tế, xã hội như những quốc gia xếp sau Việt Nam trên bảng xếp hạng giáo dục”.
Ngoài ra, một số ý kiến khác cho rằng bảng xếp hạng chất lượng giáo dục toàn cầu do OECD công bố chỉ tập trung khảo sát về toán học và khoa học – hai môn thế mạnh của các học sinh Việt Nam, vì vậy, không quá khó khăn để Việt Nam “vượt mặt” những cường quốc khác trong khu vực.
“Từ trước tới nay, ở Việt Nam, các vị phụ huynh dành nhiều sự quan tâm cho môn toán hơn tất cả các môn học khác. Đây là yếu tố tâm lý vốn đã ăn sâu vào tiềm thức mỗi vị phụ huynh. Thay vì quan tâm tới thứ hạng, tôi quan tâm hơn tới các yếu tố ảnh hưởng tới kết quả đó để các trường, các sở có thể rút kinh nghiệm” – tiến sĩ Sái Công Hồng nói.
Trước câu hỏi tại sao phụ huynh Việt Nam không thể hài lòng với nền giáo dục trong nước dù con em mình luôn đạt thành tích cao tại những cuộc thi quốc tế, giảng viên Phan Hồ Điệp khẳng định “đối với các phụ huynh, kiến thức không bao giờ là đủ”.
Ngoài ra, theo giảng viên Điệp, chỉ số quy định sự thành công của mỗi con người còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác chứ không phải hàm lượng kiến thức học sinh tích lũy được, điển hình là kỹ năng sống. Chính vì vậy, giảng viên Phan Hồ Điệp cho rằng bảng xếp hạng trên không phản ánh chính xác về thực trạng chất lượng của học sinh Việt Nam cũng như nền giáo dục của Việt Nam.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.