Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) vừa công bố bảng xếp hạng toàn cầu về chất lượng giáo dục dựa trên kết quả hai bộ môn Toán và Khoa học của học sinh ở lứa tuổi 15. Theo đó, Việt Nam đứng thứ 12 trên thế giới vượt cả những cường quốc như Mỹ, Anh, Úc.
Theo bảng xếp hạng, Singapore đứng đầu bảng, theo sau là Hong Kong, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan. Điều đặc biệt, từ những năm 1960, Singapore vẫn nằm trong tốp những quốc gia có tỷ lệ mù chữ cao nay đã vươn lên xếp thứ nhất. Đây là một minh chứng rõ rệt cho mối liên hệ giữa giáo dục và phát triển kinh tế. Việt Nam xếp thứ 12, cao hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á và vượt mặt cả những cường quốc như Mỹ, Anh, Úc về chất lượng giáo dục.
Phần Lan xếp thứ 6 và cũng là quốc gia châu Âu đầu tiên có mặt trong bảng xếp hạng. Anh xếp thứ 20, đi kèm theo đó là kết quả nghiên cứu của OECD cho thấy, ở quốc gia này cứ 5 thiếu niên thì có 1 em bỏ học khi chưa hoàn thành phổ cập giáo dục cơ bản. Nếu có thể giải quyết được tình trạng này thì nền kinh tế Anh sẽ thu lợi về hàng nghìn tỷ đô la.
Mỹ tuy là cường quốc số một thế giới nhưng hoàn toàn tụt hậu về giáo dục khi xếp ở vị trí thứ 28. Ngay cả Thuỵ Điển dường như cũng đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng trong hệ thống giáo dục khi chỉ “khiêm tốn” ở vị trí thứ 35.
Đứng cuối bảng là các quốc gia ở châu Phi như Ghana, Nam Phi, Honduras, Ma Rốc và Oman. OECD cũng nhận định rằng, nếu Ghana trang bị đầy đủ kỹ năng cho các em học sinh đang ở độ tuổi 15 thì GDP của quốc gia này có thể tăng lên 38 lần trong tương lai.
“Ý tưởng của chúng tôi là muốn cho tất cả các quốc gia, không phân biệt giàu nghèo một cách nhìn tổng quan nhất, so sánh hiệu quả giáo dục để khám phá những điểm mạnh của từng nước và cả những điểm cần khắc phục, đồng thời nhìn nhận những tác động về lâu dài đến nền kinh tế của một hệ thống giáo dục tốt”, người điều hành mảng giáo dục của OECD, ông Andreas Schleicher cho biết.
Bảng xếp hạng này lấy kết quả dựa trên bài kiểm tra của 76 quốc gia trên thế giới với đủ mọi điều kiện kinh tế; không giống với bảng xếp hạng dựa trên điểm số PISA, vốn chỉ đánh giá đúng được những quốc gia giàu có, phát triển. Theo ông Schleicher, đây là lần đầu tiên chúng ta có một cái nhìn toàn cầu về chất lượng giáo dục.
Kết quả của bảng xếp hạng sẽ được chính thức công bố ở Diễn đàn Giáo dục Thế giới tại Hàn Quốc vào tuần tới. Liên Hợp Quốc sẽ triệu tập một cuộc họp về mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục cho tới năm 2030.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.