Báo động thực trạng trẻ em tử vong do những nguyên nhân có thể ngăn ngừa

Nguyễn Mai, icon
07:00 ngày 21/09/2018

VTV.vn - Năm 2017, trên toàn thế giới có khoảng 6,3 triệu trẻ em dưới 15 tuổi tử vong và hầu hết là do những nguyên nhân có thể ngăn ngừa được.

Khoảng 56 triệu trẻ em dưới 5 tuổi có nguy cơ tử vong đến năm 2030.

Báo cáo của nhóm công tác hỗn hợp gồm Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc UNICEF, Tổ chức Y tế thế giới WHO, Cơ quan Dân số thuộc Liên hợp quốc và Ngân hàng Thế giới WB cho biết: trong năm ngoái, trung bình trên toàn thế giới cứ 5 giây lại có một trẻ em dưới 15 tuổi tử vong. Phần lớn các trường hợp tử vong, khoảng 5,4 triệu trường hợp, xảy ra trong 5 năm đầu đời và số trường hợp trẻ sơ sinh tử vong chiếm khoảng 50% tổng số trường hợp trẻ em bị chết.

Báo cáo nêu rõ, hầu hết các nguyên nhân gây tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi là có thể phòng ngừa hoặc cứu chữa được như biến chứng trong khi sinh, viêm phổi, tiêu chảy, nhiễm trùng huyết sơ sinh và sốt rét. Trong khi đó, các trường hợp tử vong ở trẻ em trong độ tuổi từ 5 - 14 tuổi thường là do các thương tích, trong đó chủ yếu là đuối nước và tai nạn giao thông đường bộ. Trong nhóm tuổi từ 5 - 14, nguy cơ tử vong đối với trẻ em ở các nước phía Nam sa mạc Sahara của châu Phi cao gấp 15 lần so với ở châu Âu.

Cũng theo báo cáo trên, thời gian nguy hiểm nhất đối với cuộc sống của trẻ em là những tháng đầu tiên sau sinh. Trong năm qua, khoảng 2,5 triệu trẻ sơ sinh đã chết trong tháng đầu tiên và nguy cơ tử vong đối với những trẻ em này ở khu vực phía Nam sa mạc Sahara của châu Phi hoặc Nam Á cao gấp 9 lần so với trẻ sơ sinh ở các nước có thu nhập cao. Cũng trong thời gian trên, một nửa số ca tử vong của trẻ em dưới 5 tuổi đã xảy ra ở khu vực phía Nam sa mạc Sahara của châu Phi và 30% ở Nam Á. Riêng tại khu vực phía Nam sa mạc Sahara, trung bình cứ 13 trẻ em dưới 5 tuổi có 1 em thiệt mạng so với tỷ lệ tử vong ở những trẻ em trong cùng độ tuổi tại các nước có thu nhập cao là 1/185 em. Tại mỗi quốc gia, vẫn tồn tại sự chênh lệch về mức độ chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Tỷ lệ tử vong của trẻ em dưới 5 tuổi ở khu vực nông thôn cao hơn 50% so với ở thành thị. Ngoài ra, tỷ lệ tử vong của những trẻ em có mẹ là những người không có điều kiện học tập đầy đủ cao hơn gấp 2 lần so với những trẻ em có mẹ có trình độ trung học trở lên.

Ông Timothy Evans, Giám đốc cấp cao và Giám đốc Chương trình Dinh dưỡng sức khỏe và dân số toàn cầu của WB, khẳng định không thể tính được những tổn thất về tinh thần và thiệt hại vật chất khi có tới 6,3 triệu trẻ em thiệt mạng trên toàn thế giới trong năm 2017. Ông nhấn mạnh việc chấm dứt các ca tử vong do những nguyên nhân có thể ngăn ngừa được cũng như đầu tư đối với sức khỏe thanh thiếu niên là nền tảng cơ bản để xây dựng nguồn nhân lực mỗi nước, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và thịnh vượng trong tương lai.

Theo bà Laurence Chandy, Giám đốc Cơ quan Dữ liệu, nghiên cứu và chính sách của UNICEF, nếu không hành động khẩn cấp, từ nay đến năm 2030, khoảng 56 triệu trẻ em dưới 5 tuổi sẽ có nguy cơ tử vong, trong đó một nửa là trẻ sơ sinh. Bà Chandy khẳng định mặc dù từ năm 1990 đến nay, thế giới đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong công tác chăm sóc trẻ em, nhưng hàng triệu trẻ em vẫn bị chết. Những giải pháp đơn giản như cung cấp thuốc men, nước sạch, điện và vaccine phòng bệnh có thể giúp thay đổi tình trạng làm đau lòng này.

Cũng về vấn đề trên, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề kinh tế và xã hội Lưu Chấn Dân cho rằng báo cáo mới nói trên đã nêu bật những tiến bộ đáng kể từ năm 1990 trong việc giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em và thanh thiếu niên. Ông nhấn mạnh giảm bớt sự bất bình đẳng thông qua hỗ trợ những bà mẹ, trẻ em và trẻ sơ sinh dễ bị tổn thương nhất là điều cần thiết để đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) về chấm dứt các trường hợp tử vong ở trẻ em do những nguyên nhân có thể ngăn ngừa được và đảm bảo rằng "không ai bị bỏ lại phía sau".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục