Bất cẩn, nam thanh niên bị rơ mooc cần cẩu móc rách "của quý"

Tuấn Bảo, icon
08:22 ngày 28/06/2019

VTV.vn - Trong quá trình lao động, do sơ ý bệnh nhân V.D.T. (29 tuổi) bị rơ mooc cần cẩu móc rách vùng bìu và tinh hoàn hai bên.

Bệnh nhân được gia đình đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Nông nghiệp trong tình trạng hốt hoảng, chảy máu nhiều vùng bìu, lộ tinh hoàn 2 bên. Chẩn đoán lúc vào viện: vết thương phức tạp lóc da bìu lộ tinh hoàn hai bên, tổn thương tinh hoàn trái. Bệnh nhân có chỉ định nhập viện mổ cấp cứu.

Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ bộc lộ toàn bộ vết thương vùng sinh dục kiểm tra thấy: vết thương lóc da bìu 6×8 cm lộ tinh hoàn 2 bên. Tinh hoàn trái lộ ra ngoài, rách màng tinh hoàn trái...

Bệnh nhân được tiến hành cắt lọc làm sạch vết thương, khâu phục hồi màng tinh hoàn trái, cố định lại tinh hoàn trái, đặt dẫn lưu và đóng vết mổ.

Theo các bác sĩ, điều quan trọng trong phẫu thuật vết thương vùng bìu, tinh hoàn là phải kiểm tra khảo sát toàn bộ tinh hoàn hai bên. Đồng thời, phải cố định được tinh hoàn sao cho vững chắc, tránh các biến chứng sau mổ có thể xảy ra. Trong đó, quan trọng nhất là xoắn tinh hoàn sau chấn thương.

Vết thương vùng sinh dục là một trong những vết thương ít phổ biến trong xã hội hiện nay, nhưng có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản cũng như khả năng tình dục. Một số trường hợp, vỡ mào tinh, xoắn tinh hoàn, đứt ống dẫn tinh, tổn thương dương vật, niệu đạo. Việc chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời nhằm hạn chế tối đa những biến chứng do chấn thương gây ra; đồng thời bảo tồn khả năng sinh sản và khả năng tình dục ở nam giới.

Từ trường hợp trên, bác sĩ khuyến cáo: khi nam giới tham gia các hoạt động thể thao, lao động và các sinh hoạt thường ngày cần biết tự bảo vệ vùng kín. Nếu không may gặp tai nạn chấn thương bìu, tinh hoàn, cần đến khám tại những bệnh viện chuyên về nam khoa để được chẩn đoán sớm và có hướng xử trí kịp thời.

Vết thương bìu - tinh hoàn là một tổn thương hở, trong đó bìu bị rách, có thể kèm hay không kèm theo tổn thương tinh hoàn. Vết thương bìu - tinh hoàn có thể gặp ở mọi lứa tuổi, trong đó thường gặp nhất là lứa tuổi 15 - 40 tuổi, chiếm khoảng 20% trường hợp. Trong các trường hợp vết thương tinh hoàn, bên cạnh những thương tổn tại chỗ hoặc lan tỏa ở một bên tinh hoàn còn có 70% trường hợp tổn thương cả 2 tinh hoàn

Nguyên nhân của vết thương thường do vật sắc, bén như dao, cạnh sắc… Vết thương vùng bìu - tinh hoàn thường phức tạp đòi hỏi người bác sĩ lâm sàng cần phải cẩn thận trong chẩn đoán. Quan điểm điều trị ngoại khoa hiện nay là mở rộng chỉ định phẫu thuật thăm dò, cắt lọc mô hoại tử, dẫn lưu nhằm bảo tồn tối đa mô tinh hoàn. Tất cả các trường hợp vết thương tinh hoàn độ trung bình trở lên đều cần phải mổ thám sát.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục