Bệnh nhân viêm phổi không cải thiện do kháng kháng sinh

Mạc Thảo, icon
07:20 ngày 24/11/2021

VTV.vn - Khoa Hô hấp, Bệnh viện Bãi Cháy mỗi tháng tiếp nhận khoảng 100 bệnh nhân có bệnh lý về đường hô hấp, trong đó có đến 80% số bệnh nhân phải điều trị bằng thuốc kháng sinh.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân kháng thuốc kháng sinh. Ảnh: BVCC

Các bác sĩ Khoa Hô hấp vừa tiếp nhận điều trị bệnh nhân P.C.Q. (60 tuổi, trú tại Cẩm Phả, Quảng Ninh) bị viêm phổi bệnh viện, nấm phổi, loét sâu cùng cụt trên nền bệnh chấn thương cột sống cổ, liệt tứ chi đã mở thông khí quản. Bệnh nhân đã điều trị nhiều đợt kháng sinh trước đó nhưng tình trạng viêm phổi không cải thiện.

Kết quả nuôi cấy dịch phế quản dương tính với vi khuẩn Pseudomonas aeuginosa (trực khuẩn mủ xanh). Đây là vi khuẩn gây ra nhiễm khuẩn bệnh viện, có tỷ lệ kháng kháng sinh cao, khi tấn công cơ thể người bị suy giảm hệ miễn dịch gây ra viêm nhiễm, nhiễm trùng huyết, thậm chí tử vong.

Các bác sĩ đã điều trị kháng sinh theo phác đồ, kết hợp nội soi phế quản hút đờm, phục hồi chức năng hô hấp - vận động cho bệnh nhân. Hiện tại, tình trạng bệnh nhân cải thiện tốt, đáp ứng phác đồ điều trị, không sốt, thông khí phổi 2 bên đều.

BSCKI Phạm Thị Út Trang, Khoa Hô hấp cho biết: Kháng thuốc làm cho các lần điều trị sau trở nên kém hiệu quả hoặc không hiệu quả, kéo dài thời gian nằm viện, tốn kém chi phí điều trị và nguy cơ tử vong cho bệnh nhân. Điều tồi tệ nhất khi bệnh nhân bị vi khuẩn đa kháng thuốc xâm nhập dẫn đến việc điều trị thuốc kháng sinh không còn tác dụng, nguy cơ tử vong cao vì suy đa tạng, suy hô hấp, nhiễm trùng huyết…

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh cũng rất đa dạng. Trên thực tế có tới 80% trường hợp viêm họng, ho là do virus, không cần dùng đến kháng sinh vì có uống cũng không mang lại hiệu quả điều trị bệnh. Tuy nhiên, khi có dấu hiệu sốt, ho, cảm… người dân thường có thói quen ra hiệu thuốc và đa số thuốc mua về đều có thuốc kháng sinh.

Việc sử dụng thuốc kháng sinh không qua thăm khám, kê đơn của bác sĩ chuyên khoa, không uống đúng chỉ định, liều lượng và tự ý chuyển loại thuốc… làm cho vi khuẩn không bị tiêu diệt hoặc ngăn chặn dẫn đến điều trị thuốc kháng sinh không còn tác dụng.

Kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh và phòng khám chưa tốt cũng khiến nhiều cơ sở khám, chữa bệnh phải đối mặt với tốc độ lan rộng của các vi khuẩn kháng nhiều loại kháng sinh.

Theo bác sĩ Trang, để kê thuốc kháng sinh, dựa trên thăm khám lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng kết luận chẩn đoán bệnh liên quan đến nhiễm khuẩn, bác sĩ sẽ lựa chọn kháng sinh phổ rộng có tác dụng với từng loại vi khuẩn trong định khu các nhiễm khuẩn. Sau 3 ngày có kết quả kháng sinh đồ, các bác sĩ sẽ kê đơn thuốc điều trị theo kháng sinh đồ. Trên cơ sở đó, bác sĩ có thể chọn đúng thuốc trị đúng bệnh, hạn chế tình trạng kháng thuốc kháng sinh, giúp việc điều trị bệnh có hiệu quả và rút ngắn thời gian, chi phí điều trị bệnh cho người bệnh.

Để phòng ngừa kháng thuốc kháng sinh, bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy khuyến cáo: Người dân khi có biểu hiện sốt không nên tự ý mua thuốc kháng sinh sử dụng mà cần đến cơ sở y tế để thăm khám, xác định tình trạng bệnh do virus, vi khuẩn, rối loạn chuyển hóa, bệnh lý cận ung thư… để có chỉ định dùng thuốc thích hợp.

Không tự ý ra quầy mua thuốc hoặc xin kê đơn thuốc để mua mà không đi khám. Khi được kê đơn thuốc thì người bệnh phải tuân thủ uống thuốc đủ liều lượng và thời gian theo chỉ định của bác sĩ; khi thấy bệnh khỏi triệu chứng cũng không được ngừng thuốc quá sớm hoặc tự ý mua thêm thuốc uống khi có dấu hiệu bất thường.

Trường hợp đang uống thuốc điều trị bệnh mà người bệnh dấu hiệu bất thường thì cần phải tái khám để bác sĩ điều chỉnh thuốc, tuyệt đối không tự ra quầy thuốc mua các loại thuốc khác về sử dụng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục